“Trong bối cảnh hiện nay, an ninh quốc phòng phải đặt lên hàng đầu. Kinh tế cũng phải đặt trong bối cảnh động, ưu tiên ổn định vĩ mô nhưng phải gắn kinh tế với quốc phòng”. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân đã nhấn mạnh như vậy trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 23-5.
Tâm thế phải vững vàng, chủ động
ĐB Võ Thị Dung cho rằng trong lúc này cần tập trung nguồn lực vật chất, tinh thần để vượt qua các khó khăn về kinh tế nhưng cũng phải trong tâm thế vững vàng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Vì vậy, phải động viên toàn Đảng, toàn dân tăng năng suất lao động, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí…
“Trước những diễn biến vừa qua trên biển Đông, nếu chúng ta không có kịch bản, lộ trình rõ ràng về phát triển kinh tế thì sẽ luôn ở thế bị động. Làm sao để chấn hưng đất nước nhẹ nhàng, đỡ phải trả giá nhất. Nền kinh tế có mạnh thì quốc phòng, an ninh mới mạnh” - ĐB Bùi Đức Thụ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) lưu ý.
“Phát triển ngư nghiệp không chỉ để giải quyết bài toán kinh tế mà còn là bài toán chủ quyền” - ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đặt vấn đề. Ông Hòa cho hay hiện nay ngư dân đi đánh bắt ngoài biển thường đi trong 30 ngày. Số cá đánh bắt được trong 10 ngày đầu đến cuối tháng mới mang vào đất liền nên không tiêu thụ được mà chủ yếu dùng làm thức ăn gia súc. Còn số cá bắt được trong 10 ngày tiếp theo (ngày thứ 10 đến thứ 20) thì bán với giá rẻ do không tươi. Tính ra ngư dân chỉ bán được giá đối với cá đánh bắt trong 10 ngày cuối cùng. “Do đó, tôi đề nghị Bộ NN&PTNT nên đầu tư dịch vụ hậu cần cho nghề cá để ngư dân yên tâm bám biển” - ông Hòa nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Hiện nay có tình trạng xem tiền của Nhà nước mà không xài thì lãng phí. Từ lãng phí này rất ngược đời nên nhiều người cứ thế xài mà không hiểu tiền đó là do người dân chắt chiu mới có được”. Ảnh: T.HẰNG
Bớt tiền dự án để đóng tàu
Đi vào giải pháp cụ thể hơn, ĐB Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ đóng tàu cho ngư dân thuê, chứ không để người dân đóng tàu gỗ nhỏ lẻ như hiện nay. Việc này có thể giao cho Vinashin thực hiện. Cứ một đội tàu đánh cá gỗ phải có mấy tàu sắt thu mua và phải có bàn tay của Nhà nước tham gia. “Chúng ta toàn những tàu đánh cá nhỏ, mang đá ướp cá thủ công thì bán cho ai? Cần phải có tàu cá có đủ trang thiết bị, máy cấp đông thì mới có hiệu quả” - ĐB Lịch nêu ý kiến.
Nhiều ĐB khác cũng đã đề xuất nhiều giải pháp chăm lo cho ngư dân. ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng có những dự án cần phải dừng lại để ưu tiên cho vấn đề quốc phòng... ĐB Đỗ Văn Đương chỉ đích danh: “Tôi kiến nghị rà soát lại các dự án như dự án nạo vét sông Hậu xem có cấp thiết không, nếu không thì lấy tiền này để đóng tàu cho ngư dân”. Từ thông tin Bộ GTVT thời gian qua tiết kiệm 35.000 tỉ đồng, ĐB Ngân gợi ý có thể dùng tiền ấy đầu tư phát triển đường thủy thay cho đường bộ. Hay như ngành dầu khí có thể sử dụng tiền lợi tức hoặc tiền cổ phần hóa để hỗ trợ ngư dân. “Chính phủ cần đầu tư mạnh vào thì ngư dân mới có hàng ngàn tàu lớn bám biển” - ông Ngân nhấn mạnh.
Thắt lưng buộc bụng bảo vệ chủ quyền
Theo ĐB Đương, hơn lúc nào hết, lúc này phải thực hiện thắt lưng buộc bụng để tập trung nguồn lực bảo vệ chủ quyền. ĐB Lịch cũng đề nghị trong thời gian này ngoài lương và bảo hiểm xã hội ra, Chính phủ phải giảm thiểu chi thường xuyên.
Đề cập đến vấn đề tiết kiệm, nhiều đại biểu lưu ý Chính phủ cần xem lại vấn đề kỷ cương ngân sách. “Hiện nay chi thường xuyên rất lớn, lớn nhất là chi cho bộ máy. Tôi thấy biên chế hành chính mỗi năm mỗi tăng, tốc độ tăng biên chế còn hơn tốc độ tăng GDP!” - ông Hòa bày tỏ.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng cần phải làm rõ các khoản chi tiêu cho bộ máy hiện nay theo chế độ như thế nào. “Một là chế độ đó quá lạc hậu nên khi chi cán bộ phải lách để chi thêm, vậy thì phải sửa chế độ, tiêu chuẩn, định mức cho phù hợp. Còn nếu chế độ đúng mà chi sai thì phải xử lý như thế nào và báo cáo Quốc hội. Đối với kinh phí nhà nước, phải làm cho công chức biết được từ đâu mà có để họ biết quý trọng tiền ngân sách. Hiện nay có suy nghĩ tiền của Nhà nước mà không xài thì lãng phí. Từ lãng phí này rất ngược đời nên nhiều người cứ thế xài mà không hiểu tiền đó là do người dân chắt chiu mới có được” - bà Tâm bức xúc.
Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, trong lúc này cần phải hạn chế, thậm chí là dừng các lễ hội không cần thiết. “Chính phủ đã quy định không làm lễ hội lớn nhưng tôi thấy chỗ nào cũng làm hoành tráng, chỗ nào cũng xúc tiến du lịch thương mại nhưng thu hút đầu tư thì lại không bao nhiêu. Tôi đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn để các địa phương, bộ, ngành phải hết sức tiết kiệm” - ông Minh lưu ý.
THU HẰNG - THÀNH VĂN
Quản chặt người nước ngoài vào Việt Nam lao động trái phép Chiều 23-5, thảo luận về dự thảo Luật Xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định người nhập cảnh theo diện miễn thị thực, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất sáu tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, quy định hộ chiếu của người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực phải còn thời hạn ít nhất sáu tháng là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong đó Việt Nam là thành viên. Yêu cầu phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày là nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch nhưng thực chất là làm việc cho các dự án. Khi thị thực hết hạn, họ xuất cảnh và lại nhập cảnh ngay sau đó để làm việc gây khó khăn cho công tác quản lý lao động người nước ngoài. Do đó, nội dung như trong dự thảo luật là phù hợp. Đề cập về Quyết định đơn phương miễn thị thực có thể bị hủy bỏ nếu không còn đủ điều kiện nêu tại Điều 13 của dự thảo luật, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần quy định cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng lạm quyền. “Chúng ta nói “có thể” cũng có nghĩa là khi người nước ngoài vi phạm pháp luật thì có thể bị trục xuất hoặc không. Cần phải sửa đổi dứt khoát theo hướng vi phạm sẽ bị trục xuất” - ông Tám nói. Cùng ngày, thẩm tra về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần hạn chế tối đa việc Nhà nước thành lập DN mới cũng như làm rõ những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỉ lệ cổ phần, vốn góp. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về vai trò, mô hình hoạt động của DN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Theo Ủy ban Kinh tế, việc tăng cường quản lý, giám sát đầu tư vốn nhà nước tại DN có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình tái cơ cấu DNNN. Do đó, cần làm rõ các quy định về giám sát trong hệ thống đại diện chủ sở hữu nhà nước gắn với việc đánh giá, xếp loại DN, khuyến khích nâng cao chất lượng quản trị, năng lực cạnh tranh, công khai, minh bạch thông tin. THÀNH VĂN Nợ xấu đang phình to Ba kỳ họp Quốc hội vừa qua bàn về nợ xấu. Đến giờ tưởng rằng nợ xấu đã giảm được chút thì lại đang phình to hơn với khoảng 9,71%. Đặc biệt, số liệu về nợ xấu trong thời gian qua không thống nhất, sẽ dễ dẫn tới kiểu như bệnh nhân bị đau răng lại bảo đau bụng, tiêm nhầm vaccine. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài đang có nguy cơ phân hóa nền kinh tế lại tiếp tục chưa đạt về chất cho phát triển kinh tế. Việc thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu phân quyền cho địa phương và chăm chăm chạy theo thành tích, không quan tâm tới bộ máy chung của đất nước. Trong khoảng 5-6 năm gần đây, 100% đầu tư vốn nước ngoài không có liên doanh với DN trong nước. Trên 80% dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 100% vốn nước ngoài. Hệ lụy của nó là tình trạng chuyển giá. Hơn 70% DN nước ngoài không có lãi từ khi vào Việt Nam. Ông MAI XUÂN HÙNG, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phải thoát khỏi lệ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc Về trung hạn và dài hạn, chúng ta muốn tái cấu trúc thị trường thì cần xem xét lại nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nay vật tư, nguyên liệu của chúng ta chủ yếu là từ Trung Quốc. Không chỉ sự kiện biển Đông lần này mà ngay cả trong việc gia nhập TPP (Hiệp định Thương mại Thái Bình Dương), chúng ta phải có chính sách thay đổi nguồn gốc nguyên liệu cho DN trong nước bằng phát triển công nghiệp hỗ trợ. ĐB TRẦN DU LỊCH Trung Quốc ép người dân ký vào bản đồ mới cho nhập cảnh Trung Quốc đã có âm mưu dài hơi, có lộ trình và chuẩn bị kỹ lưỡng để năm 2025 độc chiếm biển Đông… Hôm kia Trung Quốc đã ép người dân muốn nhập cảnh trở lại Việt Nam thì phải ký vào bản đồ thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc. Vậy nên Chính phủ phải chuẩn bị mọi phương án, tình huống xấu nhất, không thể bị động, bất ngờ. ĐB PHẠM VĂN CƯỜNG, Trưởng đoàn ĐB Lào Cai |