Lâu nay, Trung Quốc thường viện dẫn Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một "bằng chứng" về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Song công luận Việt Nam đã từng phân tích sáng tỏ nội dung Công hàm 1958, khẳng định rằng văn bản này được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quang cảnh buổi họp báo quốc tế chiều 23-5.
Tại buổi họp báo quốc tế chiều 23-5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải khẳng định Việt Nam có đầy đủ cở sở pháp lý và lịch sử đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Từ thời phong kiến, nước ta đã xác lập chủ quyền. Đến nửa thế kỷ 19 – 20, chính nước Pháp đã nhân danh nhà nước Việt Nam để tiếp tục quản lý 2 quần đảo này.
Sau khi Hiệp định Genève được ký, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tiếp quản chủ quyền của Hoàng Sa Trường Sa và ra nhiều tuyên bố, áp dụng nhiều hành động thực tế thực thi chủ quyền quần đảo này. Trung Quốc biết rất rõ và phải tôn trọng.
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc chiếm đóng bằng vũ lực của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp. "Chính Trung Quốc từng khẳng định xâm lược không thể sinh ra chủ quyền, thực tế không có một quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định chủ quyền là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý"- ông Hải nhấn mạnh.
Về việc Trung Quốc viện dẫn Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để cho rằng VN đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa, ông Trần Duy Hải cho biết: Việt Nam khẳng định công hàm này không đề cập đến lãnh thổ, chủ quyền cũng như Hoàng Sa, Trường Sa mà chỉ tán thành Trung Quốc mở rộng giới hạn 12 hải lý.
Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có tính pháp lý về nội dung công thư. Công hàm không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp vì lúc bấy giờ hai quần đảo này nằm ở khu vực dưới vĩ tuyến 17.
"Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể, khi có công thư này gửi cho Trung Quốc lúc bấy giờ Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền sở hữu của Việt Nam Cộng hòa, do đó bạn không thể cho người khác một cái gì khi bạn chưa có. Khẳng định lại công thư không có giá trị gì đối với việc công nhận Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc"- ông Hải lý giải.
Viết Thịnh-Nghĩa Nhân