Họp báo quốc tế về vụ giàn khoan trái phép: Sự xâm lược không sinh ra chủ quyền!

Chiều nay 23-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo quốc tế lần thứ ba xung quanh vụ giàn khoan trái phép.

Chủ trì cuộc họp báo gồm đại diện các cơ quan: Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao; ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh -Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN; Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, hàm vụ trưởng Vụ luật pháp quốc tế. 

Buổi họp báo với đông đảo PV trong nước và quốc tế tham dự. 

Đúng 16 giờ, buổi họp báo bắt đầu. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh cuộc họp báo sẽ cung cấp cơ sở pháp lý, bằng chứng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Mở đầu cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải cho biết VN đề nghị TQ rút giàn khoan, VN và TQ sẽ trao đổi để kiểm soát tình hình trên biển. Tuy nhiên, mọi thiện chí của VN, TQ không đáp ứng. Trái lại TQ đưa ra nhiều thông tin sai lệnh về chủ quyền của VN trên biển. 

Chủ quyền không thể có từ sự xâm lược!

Ông Trần Duy Hải cũng cung cấp clip 3 phút về các bằng chứng lịch sử của VN đối với chủ quyền hai quần đảo nói trên.

Quan điểm chính: Khẳng định VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Các nhà nước phong kiến VN đã xác lập chủ quyền từ lâu và bằng biện pháp hòa bình. Từ nửa thế kỷ 19-20, chính quyền Pháp nhân danh nhà nước VN để tiếp tục quản lý 2 quần đảo này. 

Hiệp định Genève đã khẳng định các bên tham gia phải tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN, Pháp rút khỏi VN, VN Cộng hòa đã tiếp quản chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa và ra nhiều tuyên bố cũng như có hành động thực tế thực thi chủ quyền trên các quần đảo này. TQ biết rất rõ và phải tôn trọng. 

Năm 1974, TQ dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của VN. Ngay lập tức, VN Cộng hòa đã lên tiếng phản đối. Việc chiếm đóng bằng vũ lực của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp. 

TQ cũng từng khẳng định xâm lược không thể sinh ra chủ quyền, thực tế không có một quốc gia nào công nhận chủ quyền của TQ. TQ khẳng định chủ quyền là không có cơ sở pháp lý. 

Đông đảo PV tham dự buổi họp báo quốc tế. 

TQ xuyên tạc, suy diễn trắng trợn về công hàm 1958

Về việc TQ viện dẫn Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để cho rằng VN đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: VN khẳng định công hàm này không đề cập đến lãnh thổ, chủ quyền cũng như Hoàng Sa, Trường Sa. Công hàm chỉ tán thành TQ mở rộng giới hạn 12 hải lý. 

Công hàm của cố Thủ tướng không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp vì lúc ấy hai quần đảo này nằm ở khu vực dưới vĩ tuyến 17.

TQ nói HS là của TQ là ngược lại với những gì TQ đã nói trước đây trong cuộc gặp giữa ông Đặng Tiểu Bình (năm 1958 là tổng bí thư của Đảng cộng sản TQ) và đồng chí Lê Duẩn đã được ghi lại đăng trên Nhân dân nhật báo. Phía TQ không nên nói và làm ngược lãnh đạo cấp cao của họ đã nói.

Biển của VN chứ không phải vùng tranh chấp

Về việc TQ cho rằng VN phân 57 lô dầu khí tại các vùng biển có tranh chấp, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: VN bác bỏ quan điểm này và cho biết TQ nêu ra nhưng không đưa ra cơ sở pháp lý nào để chứng minh. "Mọi hoạt động dầu khí của VN đang nằm trong vùng thềm lục địa của VN theo công ước quốc tế"- ông Hải nói.

Có mặt tại buổi họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN (PVN) nêu lịch sử ngành dầu khí VN, cung cấp thông tin về hoạt động dầu khí của VN và khẳng định mọi hoạt động trên được thực hiện trong khuôn khổ và giới hạn vùng đặc quyền kinh tế VN.

"Các hoạt động dầu khí của VN và các đối tác nước ngoài triển khai hết sức bình thường, không có bất kỳ sự cản trở nào. Luận điệu TQ nói 57 lô của VN khai thác nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn sai trái"- ông Hậu khẳng định.

 Tổng giám đốc PVN khẳng định luận điệu của TQ nói 57 lô dầu khí của VN khai thác trong vùng tranh chấp là hoàn toàn sai trái.

"Quan điểm trên của TQ nhằm biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp và ý đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò. VN bác bỏ quan điểm sai trái của TQ và kiên quyết dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền của mình"- ông Hải nhấn mạnh.

16g25: Buổi họp báo bước sang phần hỏi đáp.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao đề nghị nội dung tập trung vào cơ sở pháp lý và bằng chứng của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của VN.

Hai bên khẳng định không dùng biện pháp quân sự

. VNN: Những khẳng định của TQ về công thư của cố Thủ trướng Phạm Văn Đồng giá trị pháp lý của nó ra sao?

+ Ông Trần Duy Hải: Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có tính pháp lý về nội dung công thư. Tuy nhiên trong công thư không đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nó không có giá trị pháp lý đối với vấn đề này.

Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể, khi có công thư này gửi cho TQ lúc bấy giờ Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền sở hữu của Việt Nam Cộng hòa, do đó bạn không thể cho người khác một cái gì khi bạn chưa có. Khẳng định lại công thư không có giá trị gì đối với việc công nhận Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của TQ.

. Dân Việt: Trong chuyến thăm và làm việc ở Philippines, Thủ tướng có đề cập VN sẽ đấu tranh pháp lý? VN có tận dụng sự ủng hộ quốc tế hay không và chuẩn bị gì?

+ Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Tôi xin khẳng định VN với tư cách là quốc gia thành viên của LHQ và công ước luật biển, VN có quyền sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp đã quy định để giải quyết các tranh chấp liên quan đến mình. 

Việc giải quyết việc này bằng phương pháp hòa bình có sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế. Sử dụng biện pháp pháp lý tốt hơn xung đột vũ trang. VN đã tuyên bố không loại trừ biện pháp nào để giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi biện pháp phục vụ yêu cầu.

. Tiền Phong: Mạng xã hội đưa tin TQ tập trung quân đội gần biên giới, VN có thông tin và chuẩn bị gì hay không?

+ Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giao thương và giao lưu trên biên giới diễn ra bình thường. Đến nay chúng tôi chưa có thông tin gì, đó có thể là thông tin không chính xác. Trong cuộc gặp giữa hai thứ trưởng ngoại giao vừa rồi, hai bên khẳng định không dùng quân sự để giải quyết tranh chấp.

TQ điều 5 loại tàu chiến ra bảo vệ giàn khoan trái phép

.VTC10: Trong phần trình bày vừa rồi khi đề cập đến Hội nghị San Francisco, ông Hải có dùng từ trao trả, tại sao lại dùng từ trao trả? Trong vụ giàn khoan trái phép, Đại sứ TQ từng nói VN đặt nhiều tàu quân sự và VN điều tàu chiến đến trong khi TQ chỉ sử dụng tàu dân sự, sự thật thế nào?

+ Ông Trần Duy Hải: Về câu hỏi thứ nhất, tại hội nghị diễn ra tại San Francisco năm 1951, đại biểu của Liên Xô có đề nghị trao quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ nhưng đa số đều bác bỏ. 

Câu hỏi thứ hai, tôi bác bỏ lời trên của đại sứ TQ. Giàn khoan 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Đảo Tri Tôn thực ra chỉ là một bãi đá, dù thế nào đi nữa cũng không vượt qua phạm vi 12 hải lý. Dù cho khu vực có thuộc Hoàng Sa đi chăng nữa cũng thuộc chủ quyền của VN. Bất kể pháp lý nào thì TQ hạ đặt giàn khoan đều bất hợp pháp. 

+ Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Cảnh sát biển VN: Đồng thời với việc đưa giàn khoan đến hạ đặt trái phép tại vùng biển VN, TQ đưa các tàu chiến đấu, tàu chấp pháp, tàu dịch vụ để bảo vệ giàn khoan. 

Về tàu chiến TQ có 5 loại tàu gồm 9 lượt chiếc. Chúng tôi theo dõi và ghi số hiệu: 1- là tàu vận tại đổ bộ, lượng giãn nước 17 ngàn tấn, có 8 ống phóng tên lửa phòng không, 1 bệ phapso. 2- Tàu hộ vệ tên lửa, 3- là tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh. 4- Tàu săn ngầm. 5 - Tàu khu trục tên lửa. Chúng tôi có cả số liệu hình ảnh. 

Trong khi đó, VN đưa ra 1 số lượng hạn chế thuộc CSB và kiểm ngư, hoàn toàn không có tàu chiến trên khu vực này. Việc đúng sai đã được PV trong ngoài nước chứng kiến.

Chỉ có DN Trung Quốc mới rút người ra khỏi VN

. Hãng thông tấn Đức: Có thông tin 4 người TQ tử vong trong các vụ gần đây ở Miền Trung? 

+Ông Trần Duy Hải: Khẳng định chỉ có 2 người quốc tịch TQ bị chết, ở Bình Dương các đối tượng xấu đã kích động, gây nên cái chết không mong muốn của một người TQ.

. Dân Trí: VN có nhiều cuộc tiếp xúc, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm VN không đánh đối chủ quyền để lấy thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Liệu đây có phải giới hạn sự chịu đựng, xin bình luận về 16 chữ vàng?

+ Ông Trần Duy Hải: Chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng, không gì đánh đổi được. Vàng thì rất quý nhưng độc lập chủ quyền tự do và toàn vẹn lãnh thổ còn quý hơn vàng.

. Tuổi trẻ: Gần đây có bài bình luận của một tờ báo Nga đưa ra một số thông tin về TQ và VN không khách quan. Một số thông tin trên mạng TQ đưa công nhân về nước, TQ dùng đó để bóp mép tình hình an ninh ở VN. Xin bình luận về những thông tin này?

+ Ông Lê Hải Bình: Đây là một bài báo thể hiện ý kiến cá nhân sai trái, xuyên tạc lịch sử, lấy làm tiếc một tờ báo như RIA Novosti lại đăng tải bài báo như vậy. Chúng tôi làm việc với đại sứ quán Nga và họ cho biết đây là ý kiến cá nhân của tác giả. 

Câu hỏi thứ 2, tôi xin trả lời những vụ việc gây rối vừa qua hết sức đáng tiếc, cho đến nay nhiều biện pháp của chính phủ đã triển khai, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh, an ninh trật tự các địa phương đã ổn định. 

VN một lần nữa khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn và quyền lợi của các doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài ở VN và không để các sự việc tương tự tái diễn. Theo chúng tôi được biết không có doanh nghiệp nào ngoại trừ TQ rút công nhân khỏi VN.

. Phó Đại sứ: VN có bằng chứng nào cho thấy TQ sắp tiến hành các hoạt động khoan thăm dò hay chưa? Xin thông tin thêm về cuộc gặp gỡ của hai thứ trưởng bộ ngoại giao hai nước VN-TQ?

+ Ông Đỗ Văn Hậu: Câu hỏi này khó trả lời. Theo quy trình của việc định vị và các công tác chuẩn bị để tiến hành khoan bình thường thì thời gian đủ để khoan. VN không tiếp cận được giàn khoan để khẳng định điều này. 

+ Ông Trần Duy Hải: Thực tế trong cuộc gặp giữa thứ trưởng bộ ngoại giao VN và TQ , VN kiên quyết yêu cầu TQ rút giàn khoan để tìm các giải pháp giải quyết, nhưng TQ khước từ các thiện chí, TQ đưa ra nhiều luận điệu sai trái. VN cũng nói rất rõ hai bên không thể và không nên sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết, phía TQ tán đồng ý kiến đó.

. Pháp Luật TP.HCM:Theo quan điểm của VN thì các đảo của VN là vùng tranh chấp hay không tranh chấp, khác nhau là gì? Quan điểm về cách thức áp dụng 12 hải lý có được áp dụng cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không?

+ Ông Trần Duy Hải: Tôi đã khẳng định VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên VN sẵn sàng trao đổi với TQ giải quyết các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa. TQ lại cho rằng Hoàng Sa là của TQ và nói không có tranh chấp là không đúng. 

Lãnh đạo TQ cũng từng khẳng định HS là khu vực có tranh chấp, trái với thực tế hiện nay TQ cứ khăng khăng HS là của họ và không có tranh chấp. 

+ Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Quan điểm chính thức phải đọc Luật biển VN được QH ban hành: Chiểu theo điều 121 công ước luật biển, chỉ có đảo nổi, luôn luôn nối trên mặt nước, có đời sống kinh tế và con người sinh sống, còn các đảo khác có nổi nhưng không có đời sống con người và có đời sống kinh tế thì chỉ có tối đa 12 hải lý.

Thực hư về trữ lượng dầu mỏ ở khu vực giàn khoan trái phép 

. Hãng thông tấn Nhật: TQ có thông báo dừng một số hoạt động giao lưu, quan hệ, đó là những hoạt động nào có ảnh hướng đến VN hay không. Đại diện Petro VN dự đoán về trữ lượng dầu khí ở khu vực này như thế nào?

+ Ông Trần Duy Hải: Cho đến nay mọi hoạt động giao lưu Việt-Trung chưa có gì bị dừng lại, TQ nói chắc liên quan đến lao động đưa về nước, nhưng đó là lao động phổ thông nên không ảnh hưởng đến VN. 

+ Ông Đỗ Văn Hậu: Trong vùng thềm lục địa VN có 4 đến 6 tỉ tấn. Toàn bộ khu vực phía giữa của Biển Đông, nhiều người đánh giá nguồn dầu khí lớn, chúng tôi không lạc quan như vậy. Tại nơi TQ đặt giàn khoan, chúng tôi đánh giá triển vọng dầu khí ở đây không lớn.

. Đài tiếng nói VN: Xin bình luận viề việc TQ có cáo buộc VN cố ý gây hấn, cho tàu đâm tàu TQ. ASEAN mới có 1 tuyên bố chung, sắp tới VN để làm gì để tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN trong cuộc đấu tranh này?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Trong họp báo của bộ ngoại giao TQ có cáo buộc VN khiêu khích và sử dụng các tàu hoạt động trên biển đâm va tàu TQ. Đây là thông tin sai lệnh, mang tính vu cáo, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ.

TQ cao điểm sử dụng 127 tàu bảo vệ giàn khoan, có cả tàu chiến và máy bay. Họ sử dụng súng phun nước có công suất lớn, dùng máy phát tạo ra các âm thanh, sóng âm tầng gây khó chịu, dùng đèn pha và phương tiện âm thanh tác động lên tàu VN. Họ còn chủ động đâm va tàu VN trên biển. 

VN không sử dụng công cụ trên tàu để đáp trả, chỉ sử dụng loa tuyên truyền, yêu cầu TQ chấm dứt vi phạm. Thực tế trên biển tàu CSB và kiểm ngư VN bị đâm va 20 tàu, có tàu bị đâm va 3 lần. VN khẳng định không tấn công, khiêu khích tàu TQ. 

+ Ông Lê Hải Bình: Trong hội nghị cấp cao của ASEAN, những phức tạp trên biển liên quan đến hành động của TQ đã được hội nghị đề cập, đặc biệt là tuyên bố chung thể hiện quan điểm chung về diễn biến gần đây trên Biển Đông liên quan đến TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông.

Ngoài tuyên bố chung, chúng ta thấy các nước ASEAN khác cũng ra tuyên bố thể hiện lập trường của mình. Có thể nói ở khu vực cũng như toàn thế giới, dư luận, công luận và toàn thế giới đang ủng hộ VN, ủng hộ VN kiên trì hòa bình giải quyết vấn đề này. VN sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này một cách thẳng thắn, chân thành về vấn đề này trong các diễn đàn tiếp theo.

Trung Quốc lại dùng "tiểu xảo"

. Infonet: Đại biểu Lào Cai cho biết 1 số công dân khi nhập cảnh vào TQ bị yêu cầu ký vào một văn bản công nhận HS-TS là của TQ. Bộ Ngoai giao nghe thông tin và phản ứng như thế nào?

+ Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin như PV đề cập, nhưng sẽ xác minh lại và nếu có sẽ giải quyết vấn đề theo đúng pháp luật quốc tế cũng như quan hệ giữa hai bên.

. Hãng thông tấn Mỹ: Các biện pháp cụ thể mà bà Hà vừa đề cập như thế nào, khi nào áp dụng?

+ Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Cá nhân tôi là một luật gia luôn luôn hỏi mình lúc nào là lúc thích hợp sử dụng biện pháp pháp lý, nhưng quyết định của chính phủ phải dựa trên các cơ quan chức năng. Chúng ta phải chờ đợi quyết định của chính phủ.

. Vnexpress: VN có tính đến các biện pháp khác ngoài phương pháp hòa bình? Biện pháp đối phó với việc TQ dùng giàn khoan để đánh dấu vùng nhận diện ra sao? 

+ Ông Trần Duy Hải: Biện pháp hơn nữa thì Thủ tướng đã trả lời, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền của ta bằng mọi biện pháp, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chúng ta cũng có quyền tự vệ.

+ Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Đối với chúng tôi đã được nghe thấy nhiều lần TQ giải thích khác nhau về yêu sách khác nhau, chúng tôi cũng đề nghị TQ phải giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý đối với yêu sách của mình. 

+ Ông Lê Hải Bình bổ sung: Cho dù TQ có nói khác nhau như thế nào, VN chỉ có một khẳng định: Vị trí TQ hạ đặt giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vi phạm công ước quốc tế về luật biển và bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông.

 Đông đảo phóng viên đang chuẩn bị trước cuộc họp báo chiều 23-5.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Hai cuộc họp báo trước đó được tổ chức vào ngày 7/5 và 17/5. 

Đến dự buổi họp báo có đông đảo các cơ quan báo chí Việt Nam; Văn phòng các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Hà Nội; Các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Họp báo kết thúc lúc 17h28 phút

 VIẾT THỊNH-NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm