500 đối tượng ra đầu thú

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, từ năm 2010 đến nay đã có trên 500 đối tượng phạm tội ra đầu thú.

Ngày 9-9-2013, Nguyễn Chí Thiện (23 tuổi, trú TP.Biên Hòa) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TPHCM truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đã đến Công an TP.Biên Hòa đầu thú sau khi được Đội Cảnh sát truy nã Công an TP.Biên Hòa phối hợp với công an địa phương kiên trì vận động, thuyết phục gia đình. Ngày 29-7-2013, Vũ Khắc Thuật (25 tuổi, trú Lâm Đồng) cũng đã đến Đội Cảnh sát truy nã Công an TP.Biên Hòa đầu thú sau gần 3 năm lẩn trốn.

500 đối tượng ra đầu thú ảnh 1

Huỳnh Phú Ẩn ra đầu thú

Huỳnh Phú Ẩn (53 tuổi, trú ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa phát lệnh truy nã. Sau gần 2 năm lẩn trốn, Ẩn đã ra trình diện. Trước đó Ẩn luôn sống trong tâm trạng ăn ngủ không yên. Đọc thư kêu gọi của cơ quan công an, tòa án và viện kiểm sát về chính sách khoan hồng cho người đầu thú, Ẩn khai báo thành khẩn nên được tại ngoại để điều tra.

500 đối tượng ra đầu thú ảnh 2
Ông Trần Xuân Hựu đưa con là Trần Xuân Hồng (trái) đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đầu thú  

Điều đáng quan tâm, đã có không ít bố mẹ có con bị truy nã đã vận động con về và trực tiếp đưa đến cơ quan công an trình diện. Trong số đó, phải kể đến ông Trần Xuân Hựu (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) có con trai là Trần Xuân Hồng (17 tuổi) tham gia hủy hoại tài sản của người khác rồi bỏ trốn. Bằng tình cảm và trách nhiệm của người cha, thấu hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật, ông Hựu kiên trì tìm kiếm, khuyên nhủ, động viên con về. Sáng 12-9-2013, đích thân ông đưa con đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm để đầu thú. Ông Hựu chia sẻ: “Là cha mẹ không ai muốn con cái mình sai trái mà nhất là vi phạm pháp luật, nhưng đã sai thì phải chỉ cho con sửa chữa để sớm đoàn tụ gia đình”.

Theo thiếu tá Nguyễn Xuân Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Biên Hòa, ngoài việc đến từng gia đình vận động, phân tích cho người thân của đối tượng hiểu được chính sách nhân đạo của Nhà nước khi ra đầu thú, việc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt tâm lý đối tượng, đề ra biện pháp thích hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng.

500 đối tượng ra đầu thú ảnh 3
Đội Cảnh sát TNTP CATP Biên Hòa lấy lời khai đối tượng trốn truy nã (phải) bị bắt

Thực tế cho thấy, không ít người phạm tội bị truy nã đã dùng mọi thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng như thay tên đổi họ, tạo vỏ bọc làm ăn lương thiện, nhưng cuối cùng vẫn bị lực lượng công an lần ra như Nguyễn Trung Hiếu (31 tuổi, trú xã An Phước, huyện Long Thành) can tội giết người. Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm công an tỉnh xác lập kế hoạch truy bắt. Xác minh quê quán bên vợ Hiếu tại Đồng Tháp thì được biết Hiếu cùng vợ con đã bỏ lên Hiệp Bình Chánh, TPHCM sinh sống. Tiếp tục xác minh tại TPHCM, lực lượng truy bắt nắm được thông tin Hiếu có thời gian sống với bố vợ, nhưng gần đây do xích mích nên bỏ đi đâu không rõ. Ngày 30-12-2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm nhận được tin Hiếu về nhà bố vợ. Sau khi hội ý nhanh, lực lượng phá án áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để vây bắt. Khoảng 20 giờ, đối tượng rời khỏi nhà chừng 300m thì bị khống chế bắt giữ.

Đặng Công Tâm (58 tuổi, tạm trú TP.Biên Hòa) phạm tội tổ chức đánh bạc nhưng trốn thi hành án, bị Công an TP.Biên Hòa ra quyết định truy nã năm 2006. Tâm xuống Vĩnh Long sử dụng tên gọi khác và cắt tóc đi tu tại một tịnh xá ở phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Thế nhưng sự che chắn của Tâm không thể qua mắt lực lượng cảnh sát truy nã. Cuối năm 2012, Tâm vừa đến huyện Xuân Lộc, bị Đội Cảnh sát truy nã CATPBiên Hòa phối hợp với phòng nghiệp vụ và công an địa phương bắt giữ. Nguyễn Văn Hùng (56 tuổi, ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành) giết người rồi trốn biệt tăm từ năm 1982. Ngày 3-9-2013 (tức là sau 31 năm), Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm công an tỉnh cũng đã nỗ lực xác minh truy bắt được Hùng tại thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Thời gian qua, các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các quyền lợi dành cho người ra đầu thú. Hiện tại, ngoài xã hội vẫn còn không ít người phạm tội đang lẩn trốn do chưa nhận thức hết hành vi đã gây ra và chưa nắm bắt được chính sách nhân đạo dành cho người phạm tội khi ra đầu thú được hưởng như: khai báo thành khẩn sẽ được cơ quan điều tra cho tại ngoại, được giảm nhẹ hình phạt trong quá trình xét xử và cũng là điều kiện để xem xét giảm án trong quá trình cải tạo... Do vậy, để làm giảm nỗi đau của các gia đình có con em bị truy nã và được hưởng chính sách nhân đạo, người phạm tội nên sớm đến cơ quan công an nơi gần nhất để đầu thú, hoặc liên hệ với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm theo số điện thoại 0613.820.506. Đây cũng là giải pháp tốt nhất để sửa lại lỗi lầm của chính mình 

Theo Thiên Kim (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm