Lập làng cho người khuyết tật

Giống như một xã hội thu nhỏ cho những người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, quen dần với cuộc sống bên ngoài xã hội.

Mô hình “lao động trị liệu” đầu tiên tại Việt Nam

Bà Từ Thị Kim Phụng, Giám đốc trung tâm, cho biết: “ Người khuyết tật, bại não, tâm thần... được nhà nước chăm sóc trong các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng họ thường muốn sống tự lập, tự phục hồi các chức năng”. Cách đây hơn mười năm, trung tâm được thành lập và đưa người khuyết tật từ TP.HCM về đây ăn ở, lao động theo mô hình lao động trị liệu. Soeur Nguyễn Hoàng Oanh, người quản lý tại đây, kể lại: “Thuở đầu về xây dựng cơ sở, núi rừng còn hoang vu, dân cư thưa thớt, điện thắp sáng chưa có. Thầy, trò bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, cùng nhau khai hoang đất để trồng trà, trồng rau, xây dựng nhà ở. Hiện nay làng có 69 người khuyết tật cùng sinh sống, trong đó phần lớn bị bại não, điếc hoặc bại liệt, người cao tuổi nhất đã xấp xỉ 50. Bước đầu, mỗi học viên phải trải qua một khóa rèn luyện, phục hồi chức năng cơ bản để tự làm được những việc tối thiểu như ăn, uống, vệ sinh cá nhân... Qua một thời gian, tùy theo mức độ, khả năng hòa nhập, người khuyết tật sẽ được xếp vào sống tập trung trong “đình chung”, “gia đình tự quản” hoặc tách ra sống riêng.

Những người khuyết tật trong làng đã chứng minh rằng họ “tàn nhưng không phế” qua việc họ gần như tự nuôi sống bản thân bằng cách trồng rau, hái trà, chăn nuôi, mở xưởng may. Soeur Oanh cho biết với gần năm mẫu đất trồng trà, cà phê, rau và hàng ngàn heo, gà..., hàng tuần làng thu hoạch rồi mang đổi sản phẩm lấy gạo, nhu yếu phẩm... Số lượng hàng hóa đủ để phân phối trong làng.

Ngoài việc phục hồi sức khỏe, tinh thần qua lao động, người khuyết tật còn tham gia học văn hóa và vật lý trị liệu. Lớp học của người khuyết tật khác lớp học của người bình thường ở chỗ một cô dạy một người, đôi khi đánh vần được một chữ trò phải học cả tuần.

Khát khao hòa nhập

Làng nằm giữa rừng trà, dân cư thưa vắng, các em khuyết tật lại thiếu bầu không khí từ nhỏ nên tâm lý thường khát khao tiếp xúc với bên ngoài xã hội. Biết vậy nên các soeur nghĩ ra cách mỗi khi gia đình các cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm có đám tiệc thì đưa các em tới gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Các em muốn được tiếp xúc với người lạ lắm nhưng không ít lần tủi thân, bật khóc khi người ta cứ nhìn mình như nhìn “sinh vật lạ” hay dè bỉu, trêu chọc. Làng có hai bé trai bị cụt một chân, các soeur gửi theo học trường ngoài thị xã Bảo Lộc. Buồn thay, bạn bè cùng lứa lại cứ gọi “thằng cụt trái” và “thằng cụt phải”. Do tủi thân nên nhiều bữa đang học, hai em mếu máo chạy về. Các soeur phải an ủi “Gắng lên con...! Gắng học lên đến đại học để về dựng làng đẹp hơn cho các me”.

Khu tự quản “gia đình Mai Khôi” của các em nằm cách xa văn phòng trung tâm. Đó là năm căn nhà nằm giữa rừng trà xanh mướt. Người phụ trách là chị Nguyễn Thị Hai, 30 tuổi, bị cụt hai chân, cho biết: “Xa khu dân cư nên thèm hơi người. Các em vui nhất là mỗi lần khách đến thăm”.

Mỗi dịp lễ, Tết, trung tâm đều liên hệ với các trường học, đoàn thể để các bạn cùng trang lứa tới giao lưu, ca hát. Mỗi năm ít nhất một lần các em được trung tâm đưa đi nghỉ mát, tham quan .

Xây tổ ấm từ làng khuyết tật

Nhiều người tàn tật khi phục hồi các chức năng cơ bản gần như người bình thường thì được rời làng, hòa nhập cộng đồng. Tính đến nay đã có năm cặp nam nữ từng sống cùng làng đã phục hồi chức năng và xây dựng gia đình với nhau. Cứ mỗi mái ấm mới ra đời, trung tâm cấp đất cho dựng nhà và có đất sản xuất. “Mỗi đám cưới tuy ít khách, hai họ đều là các soeur, cán bộ trung tâm nhưng vẫn đủ thủ tục, nghi lễ và vui như ngày hội của làng” - những đôi vợ chồng trẻ làng khuyết tật đều nhận xét như thế.

Ngoài việc vận động từ thiện để tổ chức đám cưới, cấp đất, xây nhà..., trung tâm còn phải tư vấn về tâm sinh lý, kiến thức đời sống vợ chồng, kiến thức về làm kinh tế gia đình... Đám cưới đầu tiên tại làng khuyết tật là của cô nhân viên văn phòng Giang Thanh và chàng thanh niên khuyết tật Nguyễn Văn Thanh được tổ chức cách đây tám năm. Hai vợ chồng giờ đã có hai đứa con kháu khỉnh. Nhìn anh Thanh khó ai đoán được cách đây mười năm anh bị chậm phát triển trí não. Kể lại chuyện tình của mình, chị Thanh nói: “Tôi trực tiếp chăm sóc, theo dõi sự hồi phục của anh từng ngày, chẳng biết rồi thương nhau từ khi nào nữa”. Khi chúng tôi đến làng cũng là thời điểm một cô gái ngoài thị xã Bảo Lộc vừa bén duyên với một thanh niên trong trung tâm BTTETTMC. Mới đây, anh công nhân của Nhà máy 27-7 vì phải lòng cô gái trong làng đã quyết định rời TP.HCM để về gắn bó cùng làng giữa rừng trà Bảo Lộc.

Bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM):

Có thể nói đây là mô hình đặc biệt dành cho người khuyết tật tại Việt Nam. Nhiều đoàn tham quan trong nước, ngoài nước khi tới làng khuyết tật Bảo Lộc đều đánh giá như vậy. TP hết sức quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi cho các em. Chủ trương của TP là sẽ mở rộng làng khuyết tật, nhân rộng mô hình, tạo điều kiện cho nhiều người khuyết tật có cơ hội được lao động và hòa nhập với cộng đồng”

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm