Nhà xây trái phép: “Đập” hay “không đập”?

Góp ý hoàn thiện dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 126 ngày 26-5-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, một số ý kiến đề nghị tăng cường biện pháp xử phạt thật nặng để bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng xây dựng không hợp pháp đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Thậm chí có ý kiến đề nghị cần mạnh tay áp dụng biện pháp buộc chủ đầu tư phải triệt hạ, phá dỡ công trình xây dựng không hợp pháp thành một “hình thức xử phạt chính”. Bởi thực tế cho thấy dù mức phạt tiền đã dự kiến nâng lên gấp nhiều lần song cũng “chẳng nhằm nhò” đối với một số đối tượng vi phạm.

“Đập” là biện pháp khắc phục hậu quả

Về nguyên tắc, “phạt” là sự trừng trị của nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật. Các biện pháp “phạt hành chính” chỉ được áp dụng trong vòng một hoặc hai năm kể từ ngày vi phạm xảy ra, gọi là “thời hiệu xử phạt”. Trong lĩnh vực xây dựng, thời hiệu này là hai năm.

Theo quy định hiện hành, có bốn hình thức xử phạt là: cảnh cáo hoặc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm.

Còn “đập bỏ” thì không phải phạt mà là một “biện pháp khắc phục hậu quả” khi có hành vi vi phạm xảy ra, gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải khắc phục kịp thời để khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Khắc phục hậu quả không có thời hiệu, làm lúc nào cũng được.

Vi phạm nào cũng bị phạt. Nhưng tùy từng trường hợp mà có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không. Nếu vi phạm chưa gây ra nguy hiểm, thiệt hại gì cho xã hội, cho nhà nước thì không cần phải khắc phục hậu quả. Như trong lĩnh vực xây dựng, nếu xây dựng không hợp pháp mà không gây hại cho ai thì không cần phải... “đập”.

Khi cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách “tháo dỡ công trình xây dựng” có khi cũng không cần phải “khôi phục lại tình trạng ban đầu”. vì như trường hợp người dân lấp ao trũng, san nền để cất nhà không giấy phép thì khi buộc họ tháo dỡ, không cần phải buộc đào lại cái ao, tạo lại chỗ trũng như cũ.

Ý kiến đề nghị nâng biện pháp “buộc phải đập tất” lên thành hình thức xử phạt chính như phạt tiền là không khả thi vì trái với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trong khi chúng ta đang bàn việc sửa đổi Nghị định 126 - một loại văn bản quy phạm dưới pháp lệnh, không thể trái pháp lệnh được.

Tiêu chí “đập” hay “không đập” chưa chuẩn

Pháp luật hiện nay chưa định ra tiêu chuẩn minh bạch, hợp tình, hợp lý tại sao phải đập, trường hợp nào không đập, khiến cho cán bộ cơ sở dễ tùy tiện, từ đó có thể phát sinh tiêu cực.

Tình trạng xây dựng trái phép (bao gồm xây dựng không phép và xây dựng sai phép) phát triển phức tạp trong mấy năm gần đây, khi đời sống dân chúng khá giả hơn, vật tư vật liệu bán tự do, đất đai được chuyển dịch quyền sử dụng, lại thêm... tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài, thủ tục để xin được giấy phép xây dựng của nhà nước thực tế cũng không phải dễ... Từ những năm đó, biện pháp “đập” bắt đầu được áp dụng rộng rãi sau khi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995 ra đời. Triển khai thực hiện Pháp lệnh 1995, riêng trong lĩnh vực xây dựng, biện pháp tháo dỡ công trình xây dựng trái phép được quy định từ Nghị định 48/CP ngày 5-5-1997.

Từ đó đến nay, nhà nước đã lần lượt ban hành ba nghị định: Nghị định 48 ngày 5-5-1997, sau đó được thay thế bởi Nghị định 126 ngày 26-5-2004, Nghị định 180 ngày 7-12-2007 và đang chuẩn bị cho ra đời một nghị định mới thay thế Nghị định 126 để cùng tồn tại, áp dụng song song với Nghị định 180.

Dù các nghị định lần lượt có nội dung quy định không giống nhau nhưng đều toát lên tinh thần chung là:

- Đối với công trình xây không có giấy phép mà xây trên đất chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp quy hoạch thì buộc xin phép xây dựng và cho tồn tại.

- Đối với nhà xây sai nội dung giấy phép thì buộc phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép.

- Đối với công trình gây nguy hiểm cho xã hội như vi phạm quy hoạch, xây dựng trên đất lấn chiếm, vi phạm lộ giới, sai thiết kế, vi phạm trật tự xây dựng... thì phải ngừng thi công, buộc phá dỡ...

Pháp luật phải phân minh, dứt khoát

Như vậy, chủ yếu theo quy định là “đập” nhưng thực tế đã nảy sinh nhiều chuyện phức tạp về dân sinh và nhiều “lấn cấn” khác nữa khiến cho việc “đập” hay “không đập” chưa được thực hiện rốt ráo, suôn sẻ, đến nơi đến chốn.

Có lẽ “đập” hay “không đập” là biện pháp trước mắt mang lại hiệu quả trong hệ thống chế tài trong lĩnh vực xây dựng. Nó có khả năng đưa đến kết quả cao trong việc đấu tranh với các vi phạm. Song cũng phải thấy “đập” không chỉ là chế tài đối với hành vi vi phạm mà còn là sự hủy hoại vốn liếng, phương tiện an cư của một bộ phận nhân dân - nhất là cho dân nghèo dám liều mình “lấy thân che của”.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của sự điều chỉnh pháp luật trong giai đoạn mới, điều tất yếu là phải hoàn thiện pháp luật trong tinh thần vì sự phát triển của cộng đồng, đồng thời vì dân và nhân đạo. Thực tế đòi hỏi quy định mới cũng phải có khả năng hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, tùy tiện từ phía người thực thi pháp luật. Pháp luật phân minh, dứt khoát, đó là cơ sở của việc ổn định xã hội, hướng tới hạnh phúc lâu dài của nhân dân.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm