Nợ bảo hiểm xã hội: Hai doanh nghiệp phải nộp hơn 8 tỷ đồng

Hôm qua (29-5), trước sự chứng kiến của nhiều công nhân, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã tuyên buộc Công ty TNHH Anjin phải trả cho Bảo hiểm xã hội TP hơn 6,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Lucky trả hơn 2,1 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Nợ kéo dài

Theo đơn kiện và trình bày của đại diện Bảo hiểm xã hội TP tại tòa, hàng tháng hai công ty này (đều của Hàn Quốc) vẫn khấu trừ 6% tiền lương của công nhân nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm để chi trả mà tự động giữ lại.

Công ty Lucky nợ tiền bảo hiểm xã hội từ cuối tháng 8-2004 đến nay. Trước đó, Bảo hiểm xã hội TP đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng không có kết quả. Thậm chí Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội từng ra quyết định xử phạt hành chính nhưng sau đó công ty cũng chỉ nộp được hơn 400 triệu đồng, còn lại thì xin khất rồi cũng không trả. Tính đến thời điểm này, số nợ bảo hiểm của công ty là hơn 2,1 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn, Công ty TNHH Anjin nợ bảo hiểm kéo dài suốt từ tháng 4-2006 đến tháng 12-2008 với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Hiện công ty đã ngưng sản xuất, đóng cửa và đang tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản. Hàng trăm công nhân của công ty bị thất nghiệp đã có mặt trong các cuộc đình công để đòi công ty trả tiền bảo hiểm xã hội cho mình. Công ty này đã nhiều lần bị Bảo hiểm xã hội TP và Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhắc nhở. Cuối năm 2007, công ty cũng bị phạt 20 triệu đồng và cảnh cáo về hành vi nợ đọng nhưng nợ vẫn hoàn nợ.

Lại xin khất!

Tại tòa, giám đốc Công ty Anjin thừa nhận số nợ này nhưng lý giải là do từ khi ông tiếp nhận thì công ty đã không có tiền, làm ăn thua lỗ. Vì thế, ông này mong cơ quan bảo hiểm “cố gắng thông cảm và giúp đỡ công ty” bằng cách đừng đòi ngay vì công ty sắp tuyên bố phá sản do làm ăn thua lỗ. Tòa hỏi công ty sẽ trả nợ bằng cách nào thì ông này đáp chỉ còn nước là chờ xong thủ tục tuyên bố phá sản rồi bán nhà xưởng, máy móc lấy tiền trả.

Còn giám đốc Công ty Lucky lại lấy lý do là khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng nên công ty làm ăn không có lời. Ông giám đốc này nói sẽ trả sòng phẳng nhưng xin được trả dần trong vòng 18 tháng chứ chưa thể trả ngay. Khi đại diện Bảo hiểm xã hội TP không đồng ý, ông này quay ra năn nỉ tòa là hãy “chiếu cố” cho ông một cơ hội trả chậm. Sau phiên tòa, công ty chỉ có thể trả ngay được 60 triệu đồng. Giám đốc công ty còn hứa từ nay về sau sẽ chấp hành nộp nghiêm chỉnh tiền bảo hiểm theo quy định vì công ty vừa ký được nhiều hợp đồng làm ăn mới nên sẽ có tiền.

Tuy nhiên, phía Bảo hiểm xã hội đã không đồng ý và yêu cầu hai công ty phải trả nợ một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Theo đại diện cơ quan bảo hiểm, hai công ty này đã nợ kéo dài từ lâu với số tiền lớn. Trước khi bị khởi kiện, họ cũng đã nhiều lần hứa trả dần nhưng không làm.

Cuối cùng tòa đã tuyên án như trên. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Lại Phước Trường, chủ tọa phiên tòa, cho biết đây là một loại tranh chấp mới mà lần đầu tiên TAND quận Bình Tân giải quyết. Theo thẩm phán Trường, việc cơ quan bảo hiểm xã hội mạnh dạn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp là cần thiết vì tình trạng nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp hiện đang khá phổ biến. Đây là vấn đề liên quan sát sườn đến đời sống của công nhân nên cần phải được giải quyết nhanh, đúng pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp sẽ phải ra tòa

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, ngoài chín doanh nghiệp mà đơn vị này đã khởi kiện hồi tháng 4, hiện Bảo hiểm xã hội TP đang khởi kiện thêm 50 doanh nghiệp nữa.

Trong năm 2008, Bảo hiểm xã hội TP đã khởi kiện tám doanh nghiệp, trong đó có hai công ty ở vụ án này. Tháng 6-2008, TAND quận Phú Nhuận đã xử vụ đòi bảo hiểm đầu tiên, tuyên buộc Công ty TNHH Kwang Nam phải trả cho Bảo hiểm xã hội TP hơn bảy tỷ đồng.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm