Nước mắt sau chuyện giang hồ tới nhà tang lễ đòi xác

Giận người em trai không chăm sóc mẹ chu đáo, ngày bà mất chị chỉ báo tin cho biết chứ nhất quyết không cho em mang thi hài mẹ về quê an táng.  

Người em trai trong lúc nóng giận đã gọi cả con cháu nội ngoại cùng người ngoài tới nhà tang lễ đòi “đưa mẹ về”.

Nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương tối 18-10. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Củi đậu đun hạt đậu…”

Gần 11 giờ đêm, con đường Trần Phú bắt đầu thưa thớt người xe qua lại.

Cô chủ tiệm nước kế bên hông nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương (quận 5) lục đục dọn quán để chuẩn bị về nghỉ ngơi. Thấy tôi tới, anh nhân viên nhà xác hướng dẫn cứ chạy thẳng vào trong, đến viếng nhà ai thì chạy qua gian nhà đó, khóa cổ xe lại chứ đã hết giờ trông xe.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện giang hồ kéo nhau tới quậy đòi xác, một người kể: Người đã khuất có con với hai người chồng. Những người con của người chồng đầu ở Sài Gòn, những người con của người chồng sau ở Cần Thơ.

Người con gái hôm qua đưa cụ bà đi cấp cứu nhưng không qua khỏi nên đưa mẹ về nhà tang lễ. Tới khoảng 18 giờ, lại có người tới xưng là con trai của người mất, xin đưa thi hài mẹ về Cần Thơ chôn cất. "Bên nào cũng nhận là người nhà, cãi vã tưởng đánh nhau tới nơi. Có bên còn kéo cả giang hồ tới, phải tầm khoảng 20 người rầm rập chạy vào đòi đưa áo quan đi...” - người này kể chuyện.

Trước tình huống đó, ban quản lý nhà tang lễ đã yêu cầu bảo vệ đóng cửa, rồi ngồi lại cùng hai bên phân giải. Hiện tại người con gái có giấy chứng tử, hai bên phải cung cấp giấy tờ chứng minh mối quan hệ máu mủ ruột thịt. Nếu cả hai đều chứng minh được thì sẽ đưa lên quận để xử lý.

Những nhân viên lâu năm làm việc tại nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương khẳng định đây là câu chuyện rất hiếm khi họ gặp phải.

“Chúng tôi là con cùng cha, cùng mẹ!”

Ngồi lặng lẽ trong góc cầu thang, chị An (con của cụ bà) lắc đầu khe khẽ thở dài. Thực ra chẳng có hai dòng con nào cả, là lúc tức giận chị nói vậy. Hai người đều là núm ruột của mẹ sinh ra.

“Vú (chị gọi mẹ là vú) có tám người con: bốn trai và bốn gái nhưng hiện tại chỉ còn năm thôi. Tôi là con thứ tư, nó là con thứ bảy. Chúng tôi là con cùng cha cùng mẹ. Giá như nó để tôi đón vú lên đây chữa bịnh sớm hơn, giá như vú được chăm sóc tốt hơn thì bà còn sống thêm vài năm nữa…” - giọng chị khàn đục, đôi mắt đỏ ngầu không giấu được sự mệt mỏi.

Ký ức những năm tháng khốn khó, mẹ tảo tần chắt góp từng đồng bán tàu hũ, cà rem cùng cha nuôi nấng tám anh chị em khôn lớn, chị vẫn còn nhớ rất rõ. Sau này, thoát ly có chị và cô em gái khá giả hơn nên người nuôi cha, người chăm mẹ.

Chị nuôi cha, cụ ông đã mất năm 2017. Cụ bà sống cùng cậu con trai nhưng có sự hỗ trợ của cô em gái kia.

Năm  2016, cụ bà bất ngờ bị tai biến đột quỵ phải nằm một chỗ. Mâu thuẫn bắt đầu từ đây. Lần thứ nhất phát hiện mẹ bị loét, chị đón mẹ lên chăm, nhiều lần chuyển viện và dùng những thuốc tốt nhất, sức khỏe của bà đã có dấu hiệu tốt.

Nói rồi như để chứng minh, chị mở điện thoại, lật từng tấm ảnh cho tôi xem. “Đây này, em thấy môi bà đã hồng hơn không, bà còn nhận biết được con cháu, vết loét sau lưng cũng đã dần khép miệng...” - tay chị chạm khẽ lên màn hình điện thoại chỉ còn 5% pin. Trên đó là tấm ảnh mẹ chị mới chỉ mấy tháng trước.

“Bà chẳng nói được gì nhưng ít nhất bà vẫn còn sống, chị còn có mẹ. Chỉ mới 3-4 tháng thôi em ạ…”. Nói đến đây, chị ngơ ngác nhìn xuống nhà quàn nơi cáo phó có di ảnh mẹ chị đã treo sẵn.

Giọng nhẹ bẫng. Chị không khóc. Những giọt nước mắt như nghẹn ứ trên vành mắt người đàn bà rồi tan biến trong màn đêm yên tĩnh.

Chị lặng lẽ ngồi một góc cầu thang ngơ ngác nhìn người tới viếng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ngày từ nước ngoài trở về, chị nhận tin báo bệnh bà trở nặng. Tháng 7, chị đòi đón mẹ lên nhưng các em không cho. Sáng 16-10, chị nhất quyết đưa bà lên, trên đường tới bệnh viện thì bà mất.

Chị đã tính làm đám tang xong mới báo tin nhưng nghĩ chị em trong nhà làm vậy không được. Ai dè, người em khi nhận tin đã kéo người lên làm ầm đòi mang mẹ trở về.

Chị bảo lễ tang mẹ chị lo, người đến viếng miễn chấp điếu, đất để chôn cất mẹ, chị cũng mua rồi. Danh sách tang lễ ngay lối vào cổng ghi rõ mẹ chị sẽ yên nghỉ tại Nghĩa trang Đa Phước.

Ngoài giấy chứng tử, chị có thẻ căn cước ngày xưa ghi rõ họ tên cha mẹ,… để chứng minh quan hệ ruột thịt.

Chị bảo thực ra chị chỉ cần một lời xin lỗi chân thành.

“Sống không lo, chết giành tới giành lui làm gì, hiếu thảo với người còn sống chứ khi đã nằm sâu dưới ba tấc đất, khóc, giành cho ai xem. Vú đi cũng không yên tâm mà người ngoài còn cười cho…”.

Người đàn bà chầm chậm xuống cầu thang, đôi bàn tay buông thõng.

Đêm đặc quánh. Cô độc…

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm