Mặc dù các yếu tố như trọng lượng cơ thể, hoạt động thể chất, căng thẳng và di truyền cũng đóng một vai trò trong việc duy trì lượng đường trong máu, nhưng việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu. Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt nhất có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu của bạn.
Bông cải xanh và mầm bông cải xanh
Theo Healthline, sulforaphane là một loại isothiocyanate có đặc tính làm giảm lượng đường trong máu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất bông cải xanh giàu sulforaphane có tác dụng chống đái tháo đường, giúp tăng cường độ nhạy insulin, giảm lượng đường trong máu và các dấu hiệu của stress oxy hóa.
Bông cải xanh giàu sulforaphane có tác dụng chống đái tháo đường. Ảnh: NHẬT LINH
Mầm bông cải xanh là nguồn glucosinolate tập trung như glucoraphanin. Chúng đã được chứng minh là giúp thúc đẩy độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 khi được bổ sung dưới dạng bột hoặc chiết xuất.
Ngoài ra, ăn các loại rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Hải sản
Hải sản bao gồm cá và động vật có vỏ, chúng cung cấp một nguồn protein dồi dào, chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Protein cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu. Nó giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa tăng đột biến lượng đường trong máu sau bữa ăn, cũng như làm tăng cảm giác no. Ngoài ra, nó có thể giúp ngăn ngừa việc ăn quá nhiều và thúc đẩy giảm mỡ thừa trong cơ thể, điều này rất cần thiết cho lượng đường trong máu khỏe mạnh.
Ăn nhiều cá béo như cá hồi và cá mòi đã được chứng minh là giúp cải thiện việc điều chỉnh lượng đường trong máu, theo Healthline.
Bí ngô
Bí ngô có màu sắc rực rỡ và chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa. Trên thực tế, bí ngô được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh tiểu đường truyền thống ở nhiều nước như Mexico và Iran.
Bí ngô chứa nhiều carbs được gọi là polysaccharides đã được chứng minh có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu.
Đậu bắp
Đậu bắp là một loại trái cây thường được sử dụng như một loại rau. Đậu bắp chứa các hợp chất làm giảm lượng đường trong máu như polysaccharides và chất chống oxy hóa flavonoid.
Thường xuyên ăn đậu bắp có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu. Ảnh: NHẬT LINH
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hạt đậu bắp từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị bệnh tiểu đường do đặc tính làm giảm lượng đường trong máu của chúng.
Chất polysaccharide có trong đậu bắp đã được xác định là một hợp chất chống đái tháo đường mạnh mẽ. Thêm vào đó, đậu bắp chứa flavonoid isoquercitrin và quercetin 3-O-gentiobioside, giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách ức chế một số enzym, tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn.
Đậu và đậu lăng
Đậu và đậu lăng rất giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như magiê, chất xơ và protein, có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng đặc biệt giàu chất xơ hòa tan và tinh bột kháng, giúp tiêu hóa chậm và có thể cải thiện phản ứng đường huyết sau bữa ăn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn đậu và đậu lăng không chỉ có lợi cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu mà còn có thể giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường, theo Healthline.
Trái cây có múi
Mặc dù nhiều loại trái cây họ cam quýt rất ngọt, nhưng nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Trái cây họ cam quýt được coi là trái cây có chỉ số đường huyết thấp vì chúng không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều như các loại trái cây khác như dưa hấu và dứa.
Bưởi chứa nhiều chất xơ và các hợp chất thực vật có đặc tính chống tiểu đường. Ảnh: NHẬT LINH
Trái cây có múi như cam và bưởi chứa nhiều chất xơ và chứa các hợp chất thực vật như naringenin, một polyphenol có đặc tính chống tiểu đường mạnh mẽ, theo Healthline.