Khi Nghị định 100/2019 áp dụng từ ngày 1-1-2020, người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt là các tài xế. Vì vậy, nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, men, kẹo có tác dụng giải rượu, được giới thiệu rầm rộ trên mạng xã hội và thị trường. Theo đó những loại sản phẩm trên được quảng cáo sẽ khử nồng độ cồn về 0, giải rượu nhanh chóng.
Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết thực chất các loại sản phẩm giải rượu bia trên thị trường hiện nay có tác dụng chính là hỗ trợ một phần quá trình chuyển hóa rượu thông qua việc bổ sung một số vitamin, muối, đường… cho cơ thể.
Hiện chưa có kết quả nghiên cứu nào khẳng định các loại thuốc giải rượu có tác dụng đào thải nồng độ cồn về 0. Ảnh: Internet
“Hiện nay, chưa có kết quả nghiên cứu nào khẳng định các loại thuốc giải rượu có tác dụng đào thải nồng độ cồn về 0. Việc uống các sản phẩm giải rượu là thực phẩm chức năng thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Song nếu sử dụng nhầm thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trúng thuốc điều trị nghiện rượu thì cực kỳ nguy hiểm" - PGS Hữu Đức nói.
Theo vị này, trong y khoa có sử dụng các loại thuốc giải nghiện rượu song phải có sự chỉ định và điều trị sát sao của bác sĩ. Theo ông, hoàn toàn không có thuốc gì giúp người uống rượu say mèm lại tỉnh táo như không uống gì.
"Để bảo vệ chính mình, tốt nhất không lạm dụng rượu bia, nhất là khi tham gia giao thông. Trong trường hợp muốn giảm say rượu thì có thể uống nước lọc, nước đậu xanh, atisô, nhân trần… nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng" - PGS Hữu Đức chia sẻ.