Liên quan đến thông tin một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến cho thêm rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở, đã khiến nhiều người dân lo lắng về việc cơ quan chức năng sẽ xử phạt nhầm.
Hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, người dân không nên quá lo lắng. Ảnh: Internet
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cũng biết trong các thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể. Song theo bà Trang, nồng độ này rất nhỏ, do đó người dân không cần quá lo lắng.
Trả lời báo chí, vị này cho biết thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tùy thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh.
“Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt" - bà Trang cho biết.
Cũng theo bà Trang: "Trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt”.
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ 1-1-2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng.
Cụ thể mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ô tô 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.