Không chỉ thịt chó, thịt mèo còn được các quán nhậu gọi là "tiểu hổ" cũng là món ăn gây nhiều tranh cãi bởi yếu tố văn hóa.
Xét về mặt dinh dưỡng, trong thịt mèo chứa một hàm lượng đường cao hơn thịt bò và thịt chó. GS-TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế) thông tin trên báo chí trong thịt mèo có hơn 20 loại acid amin tốt cho cơ thể. Cũng theo ông, mặc dù thịt mèo tốt cho cơ thể nhưng bấy lâu nay mèo được xem là con vật nuôi, thường không phải một loài nuôi để giết thịt.
Song xét về mặt an toàn thực phẩm, thịt mèo có nhiều vấn đề đáng bàn. Theo Luật Thú y, quy định về sử dụng thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện thịt mèo không phải là loại quy định dùng trong thực phẩm, đó là vật nuôi trong gia đình, vì vậy cũng không có quy chuẩn cho loại thực phẩm này và cũng không nên ăn thịt loại vật nuôi này. Do đó việc tiêu thụ thịt mèo mang theo nhiều mầm bệnh nguy hiểm như bệnh dại hoặc giun, sán…
Ăn thịt mèo không rõ nguồn gốc chất lượng dễ bị nhiễm virus dại hoặc giun, sán... Ảnh: Internet
Tại Hà Nội, vào năm 2018, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4170/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, địa phương của Hà Nội tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn TP. Trong đó đặc biệt lưu ý việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo để phòng bệnh dại.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học công nghệ và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng mèo hoang, mèo nhập lậu từ Trung Quốc. Bởi thông thường những loại này không có giấy kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ nên dễ mang mầm bệnh, nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Đơn cử hồi tháng 5-2019, hơn 400 kg mèo có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có giấy tờ hợp pháp vừa bị lực lượng chức năng cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh phát hiện và bắt giữ. Hay cuối năm 2018, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết đơn vị này vừa bắt giữ 850 kg mèo nhập lậu từ Trung Quốc về Thái Bình. Số mèo này hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết mèo là một trong những vật có chứa virus dại. Sự lây nhiễm virus này có thể xảy ra khi bị vật có chứa virus dại cắn. Đáng nguy hiểm, thời gian ủ bệnh cũng rất dài, có thể lây bệnh 3-7 ngày từ trước khi vật có biểu hiện bệnh và tiếp tục có khả năng lây lan khi đã phát bệnh. Bệnh dại có tỉ lệ tử vong cao.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguy cơ chứa virus dại ở chó nhiều hơn mèo, nhưng từ chó có thể lây nhanh sang mèo.
“Với những con mèo bệnh, khi chúng ta ăn tiết canh hoặc gỏi chắc chắn sẽ lây bệnh. Trong trường hợp mèo bệnh hoặc mèo bị dại, dù là nấu chín, người tiêu dùng cũng dễ bị nhiễm virus dại do khả năng lây nhiễm chéo từ dãi con vật bệnh sang thức ăn chín, hoặc thớt, dao, tay người… khi chế biến”.
Ngoài ra, cũng theo ông, việc ăn thịt mèo còn có nguy cơ mắc bệnh giun đũa chó, mèo. Khi ăn thịt chúng, loài ấu trùng này sẽ đi theo đường tiêu hóa, xuyên qua thành ruột và đi đến các cơ quan nội tạng như da, gan, phổi, mắt, não.. của người. "Nếu ấu trùng đi vào não, có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời" - chuyên gia này phân tích.
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng lưu ý vì hàm lượng đạm trong mèo cao, do đó việc ăn thịt mèo có thể gây hại cho những bệnh nhân bị gout, cao huyết áp, tiểu đường…