Ấn tượng Trần Hoàn

Ấn tượng Trần Hoàn ảnh 1Ông và tôi thuộc hai thế hệ. Từ thuở "mác với giáo mang trên vai...", ông đã đi theo Việt Minh đánh Tây ở chiến trường "Bình - Trị - Thiên khói lửa" quê ông thì tôi mới là đứa trẻ tập đi, tập nói; lúc ông oai phong trong đoàn cán bộ miền Nam tập kết, tôi mới là cậu học trò lớp nhì, lớp nhất trường làng.

Rồi tới khi tôi khoác ba lô trong đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" thì ông đã về hoạt động ở chiến trường gian khổ Khu V. Cho tới thời điểm đó, tôi chưa biết gì về ông, mặc dù đã thuộc lòng một ca khúc trữ tình do ông sáng tác "Lời người ra đi".

Thế hệ chúng tôi thời đó, bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười và thương cho chính cuộc đời mình, đất nước mình. Những năm 60 của thế kỷ XX làm gì có vô tuyến truyền hình, báo viết thì lèo tèo mấy tờ. Phương tiện thông tin mang tính phổ cập chỉ có đài phát thanh. Song, dễ gì có máy thu thanh. Cả làng đếm được mấy chiếc. Chủ yếu là của những gia đình có người thân đi nước ngoài đem về. Cái thứ radio vừa to, vừa thô, vừa nặng với những cái tên quen thuộc như "Xiêng-mao", "Ô-ri-ông-tông"...

Nhà nào có đài thì "oai" lắm - Cả xóm, cả làng biết. Nhưng lại kèm theo "cái nạn" rác nhà, tốn thuốc lào, nước vối. Hôm nào nhà cũng đầy khách nghe nhờ. Nhất là những chương trình văn nghệ, tiếng thơ, chuyện cảnh giác, dạy hát, tường thuật bóng đá...

Lũ chúng tôi hồi đó đứa nào có chút "máu văn nghệ" là mê nhất chương trình dạy hát. Cứ nằm bò xuống phản mà ghi chép. Phần ghi nhạc, tất cả đều mù tịt nên chỉ ghi phần lời. Vì vậy, chẳng bài nào biết tên tác giả. Cho dù có nghe giới thiệu từ đầu thì cũng trôi tuột khỏi bộ nhớ. Cái thứ xướng ca nửa mùa nó bạc là vậy.

Cả lũ năm, bảy đứa, đứa nào cũng có một cuốn sổ tay để sưu tầm, ghi chép những bài thơ tình hay, những bài hát ưa thích. Thơ, đại loại như: "Mưa xuân", "Yêu", "Cô láng giềng", "Chiều", "Chân quê", "Tiếng thu"...; Nhạc: với "Đêm đông", "Thiên thai", "Giọt mưa thu", "Sơn nữ ca", "Trăng mờ bên suối", "Lời người ra đi"... Nhưng chẳng bài nào có tên tác giả.

Cho tới năm 1961, trúng tuyển bộ đội, trước ngày nhập ngũ, người bạn vong niên của tôi, thầy giáo Lê Đức Sương - anh là "tác giả" trình bày giúp tôi tiêu đề những tác phẩm trên. Vì anh học thời Tây nên chữ rất đẹp, chơi đàn ghita vào loại "siêu".

Anh kiểm tra cuốn "bảo bối" của tôi rồi nhẹ nhàng nhắc: "Những bài trong tập này chú đem đi không tiện. Có chăng... chỉ một vài bài...". Tôi ngạc nhiên hỏi: "Sao! Những bài đó bị cấm hả anh?". "Không! Tôi không nghe ai có lệnh cấm. Nhưng... nhưng... đi bộ đội mà hát những bài hát đó trong lúc này không hợp". "Chẳng lẽ cả tập mà không có bài nào hợp".

Anh cầm chiếc bút chì xanh đỏ vạch một đường đỏ đậm dưới tên bài hát "Lời người ra đi", rồi lại bảo nhỏ nhẹ: "Như bài này là được. Chẳng ai đánh giá gì mình. Đây là một trong những bài hát hay của nhạc sĩ Trần Hoàn"...

Ngày tôi lên đường đi "B", cuốn sổ "hoành tráng" hơn. Nhiều bài có tên tác giả đàng hoàng. Nhờ bốn năm quân ngũ, biết thêm tý nhạc nên nhiều bài hát có đầy đủ nhạc và lời tên tác giả. Vậy mà hai chữ Trần Hoàn vẫn chưa "nằm trong bộ nhớ", mặc dù nhiều tác phẩm sau này đã đưa tên tuổi ông vang dội khắp cả nước.

Mười năm sống chết cận kề, biết súng đạn, khổ đau nhiều hơn thi ca. Ngày giải phóng miền Nam, tôi may mắn trong đoàn chiến thắng trở về, được chuyển ngành công tác tại Hà Nội; lại may mắn làm công việc có liên quan nhiều tới giới trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà chính trị... nên mới chính thức được biết nhạc sĩ Trần Hoàn, khi ông đang là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng.

Rồi sau này ông về đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương lại càng biết về ông kỹ hơn.

Cho tới khi được gọi là quen và hơi thân thân một tý, đó là khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, rồi tiếp theo nữa là Bộ trưởng một bộ "to vật vã", có cái tên dài ngoẵng mà khối anh làm Trưởng ban tổ chức một số hội nghị khi giới thiệu về ông tưởng muốn hụt hơi: "Tôi xin trân trọng giới thiệu nhạc sĩ Trần Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, kiêm Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương". Dù có gọi tắt "Bộ Văn - Thông - Thể - Du" thì vẫn cứ dài hơn tên đầy đủ của nhiều bộ, ngành.

Tôi thích ông từ ấy, bởi đã được nghe ông diễn thuyết ở nhiều hội nghị của Bộ Văn hóa - Thông tin và của Ban. Ở mảng công việc nào cũng cảm thấy ông hiểu sâu về nó.

Một hôm, chuông điện thoại reo. Tôi vừa cầm ống nghe đã nghe giọng vang vang phía đầu dây bên kia - "Ông Khổng... phải không?... Này! Có một số việc cần tham khảo ý kiến với A25 (đơn vị do tôi phụ trách) mình sẽ cử anh em sang bàn trực tiếp với ông...". Đối với tôi, nhiều khi ông vẫn gọi và xưng hô như vậy - gọi bằng họ chứ không gọi tên.

Lần khác, vừa cầm ống nghe, đã nghe giọng ông vui vẻ: "Chào nhà thơ! Tớ đọc rồi. Tết vừa qua cậu được "mùa thơ đấy". Này! Mình đang họp Trung ương, có việc cần trao đổi gấp. Hết giờ mình sang được không?". Tôi vui vẻ đỡ lời: "Dạ, được chứ. Thủ trưởng kêu lúc nào là lính có mặt ngay. Lên trên nhà phải không anh?" - "Không! Tới 51 chứ. Còn cả đống việc, về nhà sớm sao được". (51 Ngô Quyền là trụ sở Bộ Văn hóa - Thông tin).

Chúng tôi quá quen với phong cách làm việc của ông. Những cuộc họp do ông chủ trì thường là họp ngoài giờ (buổi tối và ngày nghỉ). Mỗi lần như thế ông đều phân bua: "Lịch làm việc các ngành có cả rồi. Nếu họp trong giờ làm việc thì khó đảm bảo thành phần. Mong các đồng chí thông cảm...".

Cái quý trọng thứ hai của tôi về ông - đó là một người dễ gần, dân dã, bỗ bã với cấp dưới, không quan cách. Phải chăng đó là cái chất văn nghệ sĩ tạo thành!

Tới tuổi, ông được Trung ương cho nghỉ công tác quản lý ở Bộ, anh Nguyễn Khoa Điềm lên thay. Ông trở về vị trí Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho tới kỳ Đại hội và đảm nhiệm thêm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật tới khi "cây đại thụ" Nguyễn Đình Thi từ giã chúng ta, ông được cử thay chức Chủ tịch.

Ở cương vị mới, ông rất chú ý tới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội Văn học - Nghệ thuật các địa phương bằng cách tổ chức các lớp tập huấn khu vực. Nhiều lớp tôi được ông "triệu" đi với tinh thần "Cậu nên đi dự với anh em để gắn bó hơn với văn nghệ sĩ, để hiểu người ta nhằm "mềm hóa công tác an ninh". Nên chuẩn bị và thông báo cho anh em một buổi về công tác an ninh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, chống "diễn biến hòa bình" của địch". Đó là lớp tổ chức tại hồ Đại Lải.

Ông hẹn tôi lên từ tối hôm trước để hàn huyên với anh em, nhưng kẹt công việc nên sớm hôm sau mới có mặt. Dẫu sao vẫn tới trước giờ làm việc nửa tiếng đồng hồ. Ông đón tôi ở phòng khách và vào đề ngay: "Chương trình cả buổi sáng nay dành cho cậu. Có điều... xin đề xuất (ông cười hóm hỉnh, kéo dài từ đề xuất) có một học viên dự thính xin tham dự sáng có được không?...".

"A... việc này do thủ trưởng quyết định chứ! Mà ai vậy, anh?...". Ông lại khẽ cười, nhìn tôi, giọng đủng đỉnh: "Một người rất thích thơ Khổng Minh Dụ. Xin đi theo tớ lên để có dịp gặp nhà thơ". Ông liếc ra cửa: "Kia! Học viên dự thính đang vô kia".

Tôi thốt reo lên: "Trời ơi! Chị Hồng! Tưởng ai, hóa ra là nhân vật trong "Lời người ra đi". Phu nhân nhạc sĩ Trần Hoàn là người vui tính. Thật xứng đôi. Bà bắt tay tôi và liếc qua "đức lang quân" nói: "Xin mãi mới được bám càng đấy nhà thơ ạ. Tôi đọc mấy chùm thơ của anh. Thích nhất là bài "Hoài niệm". Cha! Cán bộ an ninh mà làm thơ tình hay thế".

Thoáng chút bối rối trước lời khen của phu nhân nhạc sĩ. Lòng lâng lâng, tôi như trở lại cái giây phút cảm hứng sáng tác bài thơ trên: "Tôi về với kỷ niệm xưa/ Với bờ tre gió đung đưa mỗi chiều/ Với tuổi thơ một xóm nghèo/ Dòng sông bãi cát cánh diều ước mơ/ Tôi về chuốc lấy ngẩn ngơ/ Người ngày xưa ấy bây giờ nơi đâu/ Giá như ngày ấy hiểu nhau/ Tôi đâu phải nhận nỗi đau cuộc đời/ Tôi về để gánh ngậm ngùi/ Để đong nỗi nhớ một thời xa xăm/ Tôi về tắm gió triền sông/ Gội mưa xuân giữa cánh đồng quê tôi". Được một lời khen cho "đứa con tinh thần" của mình, dẫu là xã giao thì tác giả vẫn cứ phập phồng cánh mũi, nở từng khúc ruột.

Tôi giật mình trước từ "bám càng" của phu nhân nhạc sĩ Trần Hoàn. Tôi biết đó là tâm sự thật của bà. Dường như bà khác xa với nhiều mệnh phụ phu nhân, hách dịch, yêu sách cơ quan, cấp dưới của chồng còn hơn các đức lang quân, nhất là cánh lái xe, khổ vì cái nạn hiếu hỷ, phúng lễ của các quý bà.

Thoáng chút bâng khuâng đưa tôi trở về với hình ảnh, vào một sáng chủ nhật trước đó không xa. Hôm đó, tôi "cưỡi" xe máy từ khu tập thể Bộ Công an ở làng Hoàng Cầu đi thăm một đồng đội bị ốm, nằm ở Bệnh viện 19-8. Vừa ra khỏi ngã tư Ngõ Giếng được mấy chục mét, một thoáng ngỡ ngàng trước hai ông bà già dắt xe đạp hỏi thăm đường. "Ai như vợ chồng ông Hoàn".

Tôi quành xe lại và thốt kêu: "Trời ơi! Anh chị Hoàn! Nghe nói anh ốm! Mà anh chị đi đâu vậy. Sao không gọi ôtô?". "Khỏi rồi. Tuần sau mình mới tới cơ quan. Hôm nay tranh thủ đi thăm mấy anh em của Bộ Văn hóa nghỉ hưu ở khu vực này". "Nhà ai vậy?". "Nhà cậu Phương và cậu Bính". "Biết rồi, ở kế khu tập thể với em". Tôi đưa anh chị vào địa chỉ trên.

Anh Phương - nguyên Vụ trưởng Vụ Tài vụ; anh Bính - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ quần chúng của Bộ Văn hóa - Thông tin, cả hai đã nghỉ hưu từ mấy năm trước. Ôi! Thật quý hóa. Một cán bộ đã chuyển ngành từ lâu mà vẫn đạp xe từ Đội Cấn - Ba Đình xuống làng Hoàng Cầu, quận Đống Đa mày mò thăm cấp dưới của mình ở đơn vị cũ. Chẳng bù cho khối người bạn bè trang lứa, nhờ "số may" lên to đã phớt lờ tình cũ nghĩa xưa.

Lớp tập huấn tiếp theo được tổ chức ở Cần Thơ vào đầu tháng 8/2002. Ông phôn cho tôi, nửa như yêu cầu, nửa như "rủ rê đệ tử": "Này! Tuần tới vô Nam Bộ mấy bữa đi. Tụi này tổ chức tập huấn cho các hội phía Nam. Làm ở Cần Thơ. Vô miệt vườn mấy bữa hứng gió Nam…".

Cũng may, tôi đã có chương trình vào TP HCM để chỉ đạo công việc cho bộ phận của đơn vị thường trực trong đó nên nhận lời ngay. Ngày tổng kết tập huấn, buổi chiều liên hoan, tối đi du thuyền. Cả đoàn tập trung ở bến Ninh Kiều rồi lên một chiếc thuyền lớn có trang trí đèn, hoa lộng lẫy. Thuyền được bố trí đội ngũ nhạc công, diễn viên rất "hoành tráng". Thuyền nhổ neo rời bến Ninh Kiều chạy ra vàm sông lớn rồi tắt máy thả trôi. Nước triều lên, dòng sông như rộng thêm ra, như muốn kéo mây trời thấp xuống.

Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa, vùng sông nước mênh mông, nơi đã ghi dấu trong tôi bao kỷ niệm. Thời đó, những ngày lễ, Tết, hai bên (ta và địch) ngưng chiến, vùng giải phóng, những nơi cách xa đồn bốt địch - chúng tôi vẫn thường tổ chức những đêm đờn ca trên sông. Nhưng đó chỉ là những chiếc xuồng ba lá đấu lại gần nhau. Với một cây đàn ghita là có thể hát thâu đêm. Tôi biết vài ba làn điệu dân ca Nam Bộ, ít câu vọng cổ cũng từ đó.

Thuyền ra tới vàm sông lớn thì du khách đã được thưởng thức tới bốn, năm bài dân ca. Bỗng có tiếng oang oang của ai đó từ khoang cuối con thuyền: "Chúng tôi nghe nói trên tàu của chúng ta có một nhạc sĩ nổi tiếng từ Hà Nội vô. Đề nghị nhạc sĩ Trần Hoàn góp vui với bà con".

Nhạc sĩ Trần Hoàn rơi vào tình thế "ép bất khả từ". Ông đứng dậy, ngay sát khu vực nhạc công khiến mọi cặp mắt đổ dồn về nơi ông đứng. Ông với tay nhận cây đàn của một nhạc công. Sau khi so lại dây đàn, ông vắn tắt đôi lời phi lộ: "Trước hết, xin cám ơn Sở Văn hóa - Thông tin, Hội Văn học nghệ thuật Cần Thơ, cám ơn các ca sĩ, nhạc công đã tạo điều kiện cho cuộc vui hôm nay. Để đáp ứng thịnh tình đó, tôi xin trình bày một sáng tác "cây nhà lá vườn" với tiêu đề "Một mùa xuân nho nhỏ". Pháo tay nổi lên rồi rơi vào im lặng nhường cho tiếng nhạc dạo để rồi giọng ca vút lên lan tỏa trên dòng sông Hậu - "Mùa xuân… mùa xuân… một mùa xuân nho nhỏ…".

Tâm hồn tôi như bồng bềnh giữa sóng nước Hậu Giang. Quá khứ quyện vào hiện tại tạo thành cảm hứng để tôi viết "Đêm đờn ca tài tử" trên sóng nước dòng sông Hậu, trong tiếng đàn kìm réo rắt và giọng ca vọng cổ mượt mà của một cô gái miệt vườn: "Giữa mênh mông mây trời sóng nước/ Để tôi về lòng những ngẩn ngơ/ Ngày chia xa không lời hẹn trước/ Nên khắc khoải đợi chờ trở lại Cần Thơ/ Đêm tài tử trên dòng sông Hậu/ Bến Ninh Kiều rực rỡ đèn hoa/ Con nước lớn kéo trời mây thấp xuống/ Cho tiếng đàn vang vọng loang xa/ Em ở Vị Thanh - Phụng Hiệp hay Châu Thành A/ Cô du kích miệt vườn một thời chinh chiến/ Qua bao hiểm nguy bao lần chính biến/ Mà giọng ca vẫn êm ái mượt mà/ Tôi thả hồn theo tiếng nhạc giọng hò/ Đêm sông Hậu khắc ghi vào tâm trí/ Đêm sông Hậu níu tâm hồn thi sĩ/ Lại mong chờ sớm trở lại Cần Thơ".

Bài thơ được in trên Báo Sài Gòn giải phóng số Tết năm đó. Nó mang dấu ấn kỷ niệm của người lính sau bao năm xa cách nay trở lại chiến trường xưa - chiến trường mênh mông sóng nước đầy gian nan vất vả. Thực ra sau giải phóng, tôi có về Cần Thơ mấy lần nhưng đều giam chân trong hội họp. Xong việc rồi đi ngay.

Tiếc thay đó lại là chuyến đi, một kỷ niệm cuối cùng của tôi với nhạc sĩ Trần Hoàn. Vì chỉ hơn một năm sau đó, ngày 23/11/2003, ông đã vĩnh viễn xa rời chúng tôi để đi về cõi vĩnh hằng.

KHỔNG MINH DỤ - (Theo CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm