Phát biểu trước Hạ viện Anh ngày 14-3, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga mà Anh cho là có liên quan đến các hoạt động gián điệp. Đây là bước đi đầu tiên của Anh với Nga liên quan vụ hai cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal 66 tuổi và con gái Yulia 33 tuổi bị đầu độc chất độc thần kinh tuần trước mà Anh cáo buộc Nga chịu trách nhiệm.
Cựu điệp viên Skripal bị giam ở Nga năm 2006 vì bán bí mật quốc gia cho tình báo Anh trong 10 năm, được thả năm 2010 theo chương trình trao đổi điệp viên cấp cao. Hiện ông Skripal và con gái vẫn nguy kịch tại bệnh viện.
Bà May không thông báo chi tiết về các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất, tuy nhiên có nói những người này được cho là “các nhân viên tình báo bí mật”. Theo bà May, đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao Nga quy mô nhất của Anh từ thập niên 1970.
Thủ tướng Anh Theresa May rời dinh thủ tướng Anh, đến dự cuộc họp Hạ viện Anh ngày 14-3. Ảnh: EPA
Về phần mình, Đại sứ quán Nga tại Anh lên án quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga của Anh là “thù địch” và là một cú đánh giáng vào quan hệ hai nước.
“Chúng tôi xem hành động thù địch này hoàn toàn không thể chấp nhận được, phi lý và thiển cận. Mọi trách nhiệm liên quan việc quan hệ Nga-Anh xấu đi thuộc về bộ máy lãnh đạo chính trị hiện tại của Anh” - trích tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Anh.
Tuy nhiên, phát biểu trước Hạ viện Anh, bà May cứng rắn: “Chúng tôi chẳng có quyền lợi quốc gia nào khi phá vỡ đối thoại giữa Anh với Liên bang Nga. Tuy nhiên, với hành động kinh hoàng này thì quan hệ không thể như cũ nữa”.
Ngoài trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, bà May còn thông báo một số bước đi nữa trong đó có ngưng các cuộc gặp cấp cao với các quan chức Nga và hủy chuyến thăm Anh đã được lên kế hoạch trước của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Bà May còn cho biết Anh đang cân nhắc thêm nhiều biện pháp nữa. Anh có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ, Liên minh châu Âu và NATO. Nhiều chính trị gia Anh cho rằng bà May có thể sẽ viện đến trừng phạt ngoại giao và tài chính với Nga.
Trước Hạ viện Anh, bà May một lần nữa nhắc lại kết luận của các nhà điều tra Anh rằng Nga hoặc đã triển khai hoặc đã mất kiểm soát với loại chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công. Ngày 12-3, bà May nói “khả năng lớn” Nga đứng đằng sau vụ tấn công này, ra thời hạn cho chính phủ Nga giải thích. Thời hạn trôi qua ngày 14-3 và Nga không có giải thích. Điện Kremlin còn bác bỏ “cáo buộc vô căn cứ” của Anh.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh kêu gọi một cuộc họp khẩn trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm cập nhật tình hình điều tra vụ tấn công bằng chất độc thần kinh này cho các thành viên. Nga với tư cách là một trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, có quyền phủ quyết bất kỳ bước đi nào của Liên Hiệp Quốc liên quan vụ này.
Tại Bỉ, các nhà ngoại giao Anh tại NATO đang tích cực thuyết phục vụ tấn công này có ảnh hưởng an ninh đến không chỉ Anh mà cả 29 thành viên NATO.
NATO đã ra tuyên bố “bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc lần đầu tiên xảy ra vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở lãnh thổ NATO kể từ khi tổ chức này thành lập, NATO xem đây là đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.