Ngày 12-3, sau khi chủ trì một cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo với quốc hội Anh rằng “có khả năng rất cao” Nga chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.
Cựu điệp viên Nga và cô con gái Yulia Skripal được xác định bị mưu sát bằng chất kịch độc thần kinh tại Salisbury, vùng Wiltshire ngày 4-3 vừa qua.
Tối hậu thư cho Moscow
Bà Theresa May cho biết đã gửi tối hậu thư cho Moscow đến nửa đêm 13-3 phải có giải trình về việc chất độc thần kinh do Nga phát triển được sử dụng trong vụ mưu sát Sergei Skripal. Ảnh: REUTERS
Nữ thủ tướng Anh cảnh báo sẽ không làm ngơ trước “âm mưu trắng trợn” nhằm sát hại dân thường vô tội trên lãnh thổ nước Anh. Bà cũng thông báo các bằng chứng chỉ ra loại hóa chất được sử dụng trong nghi án trên là chất độc thần kinh quân sự được phát triển bởi Nga.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã triệu tập đại sứ Nga và ra tối hậu thư buộc Moscow có lời giải thích chính thức trước nửa đêm 13-3, bà Theresa May cho biết. Nếu không nhận được lời giải trình, chính phủ Anh sẽ kết luận vụ mưu sát ông Skripal là hành động sử dụng vũ lực bất hợp pháp bởi chính phủ Nga chống lại nước Anh, tờ The Guardian cho biết.
Các quan chức Nga đã lập tức phản pháo kịch liệt cáo buộc trên. Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, đã chỉ trích các phát biểu trên là một hành động khiêu khích nước Nga. Bà mô tả cuộc họp của bà Theresa May ngày 12-3 là một “buổi diễn xiếc của quốc hội Anh”.
Nghị sĩ Nga Andrei Lugovoi cũng chỉ trích việc bà May nhanh chóng quy chụp cáo buộc Moscow là hành động “thiếu trách nhiệm tận đáy”. Ông Lugovoi là một trong hai người Nga bị chính phủ Anh cáo buộc thực hiện vụ ám sát cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko năm 2006 tại Anh bằng chất phóng xạ.
Có thể trục xuất đại sứ Nga
Ông Sergei Skripal trong phiên tòa tại Moscow vào năm 2006. Ảnh: REUTERS
Bà Theresa May cho biết sẽ cân nhắc những phản ứng của Nga trong ngày 14-3. Bà cũng hứa hẹn trước quốc hội rằng chính phủ đã chuẩn bị một loạt các phương án trả đũa vụ tấn công. Theo tờ The Guardian, với phát ngôn cứng rắn của bà May, khả năng rất cao sẽ xảy ra trả đũa ngoại giao qua lại giữa Moscow và London.
Đại sứ Nga tại nước Anh Alexander Yakovenko, một người có lập trường ngoại giao cứng rắn, có khả năng sẽ bị cho về nước. Vào năm 2007, khi Nga từ chối cho dẫn độ các nghi phạm ám sát cựu điệp viên Litvinenko, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga. Khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng trục xuất bốn nhà ngoại giao Anh để đáp trả. Trong đợt đối đầu ngoại giao này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ lại ngó lơ tối hậu thư của bà Theresa May. Đại sứ Anh Laurie Bristow có thể cũng sẽ bị trục xuất về nước, tờ The Guardian nhận định.
Bên cạnh đó, điện Kremlin cũng có thể có động thái nhắm vào đài BBC của Anh. Trong đợt căng thẳng ngoại giao quanh vụ án Litvinenko, Moscow đã buộc đóng cửa trụ sở của Hội đồng Anh tại TP. St Petersburg. Giám đốc của cơ quan này là ông Stephen Kinnock bị cáo buộc lái xe khi say xỉn.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn một mặt lên án “vụ tấn công đáng báo động” và đòi trả đũa mạnh mẽ nhắm vào Nga, mặt khác vẫn kêu gọi không để liên lạc với Nga bị đổ vỡ.
“Chúng ta cần đối thoại hiệu quả với Nga trong tất cả vấn đề đang chia rẽ đất nước, thay vì cắt đứt liên lạc để rồi căng thẳng, chia rẽ thêm trầm trọng và khiến tình hình nguy hiểm hơn” – ông Corbyn nhấn mạnh.