Thông tin ông Rex Tillerson bị Tổng thống Donald Trump sa thải khỏi vị trí ngoại trưởng Mỹ đến quá bất ngờ và kéo theo đó là câu hỏi tại sao.
Theo lời các quan chức cấp cao Mỹ nói với Washington Post và CNN thì ông Tillerson đã được thông báo sẽ bị sa thải từ ngày 9-3. CNN cho biết ông Tillerson nhận được điện thoại của Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly tối 9-3 nói rằng ông sẽ bị thay thế nhưng không nói rõ thời gian.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với CNN rằng chính Tổng thống Trump đã bất ngờ ra quyết định vào sáng 13-3. Và ông Tillerson biết được tin mình thật sự bị sa thải theo đúng cách các quan chức trước từng bị ông Trump sa thải: Đọc thông tin trên tài khoản Twitter của ông Trump sau thời điểm 8 giờ 44 (giờ địa phương) ngày 13-3.
Trong vòng một giờ sau khi thông tin xuất hiện trên truyền thông, Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein họp báo cho biết ông Tillerson “có ý định ở lại vì tiến trình quan trọng về an ninh quốc gia cũng như các lĩnh vực khác. Theo ông, ông Tillerson “không hề nói chuyện trực tiếp với tổng thống sáng nay và không biết được lý do”.
Ngoại trưởng Rex Tillerson, người vừa bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải ngày 13-3. Ảnh: AP
Theo ông Goldstein, ông Kelly chỉ nói với ông Tillerson qua điện thoại là “có thể sẽ đón nhận thông tin trên Twitter” từ ông Trump, nhưng không nói nội dung sẽ là quyết định sa thải ông. Ông Goldstein khẳng định ông Tilerson chỉ biết được tin mình bị sa thải ngày 13-3. Lời ông Goldstein được một quan chức Bộ Ngoại giao khác xác nhận.
Ông Tillerson nhận được điện thoại từ ông Trump vào khoảng trưa 13-3, hơn 3 giờ sau khi Washington Post đưa tin ông bị sa thải và trên Twitter của ông Trump.
Theo lời Tổng thống Trump nói với báo chí ngày 13-3 trước khi rời Nhà Trắng bay đến California ngày 13-3 thì ông quyết định sa thải ông Tillerson vì hai người bất đồng về chiến lược ở nhiều mảng chính sách đối ngoại chủ chốt. Trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran, cách tiếp cận Triều Tiên, cũng như cách làm việc toàn diện của lĩnh vực ngoại giao Mỹ.
Câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề thời điểm ông Tillerson bị thông báo chính thức sa thải. Nhớ lại ngày 12-3, ông Tillerson ủng hộ cáo buộc của chính phủ Anh rằng Nga chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal (người Nga) bằng chất độc thần kinh, trái với quan điểm Nhà Trắng. Nhà Trắng dù lên án vụ việc, bày tỏ sự đoàn kết với Anh nhưng không nói Mỹ tin Nga đứng sau vụ này.
Theo The Atlantic, nếu ông Tillerson đã bị sa thải từ 3 ngày trước (9-3) thì không thể giải thích việc ông ra tuyên bố ủng hộ Anh. Nhưng nếu Nhà Trắng không nói thật về thời điểm thì có thể hiểu Nhà Trắng cũng không nói thật về động cơ sa thải ông Tillerson.
Nghi ngờ về động cơ sa thải ông Tillerson thêm được củng cố với phát ngôn của ông Trump với các nhà báo ngày 13-3: “Một khi biết được sự thật và nếu chúng tôi đồng ý với sự thật này, chúng tôi sẽ lên án Nga hay bất kỳ ai thực hiện vụ việc”.
Theo The Atlantic, lời lẽ này rõ ràng không những không ủng hộ Anh, mà còn ở phía ngược lại.
Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal trước Hạ viện Anh ngày 12-3. Ảnh: REUTERS
Anh và Mỹ chia sẻ thông tin tình báo toàn diện, tự do, liên tục. Thế nên theo The Atlantic, không thể có chuyện chính phủ Mỹ chưa nắm toàn bộ thông tin mà Thủ tướng Anh Theresa May đã thẩm tra trước khi bà ra đứng trước Hạ viện Anh cáo buộc Nga.
Nếu quan tâm nghiêm túc về tính tin cậy của thông tin, chính phủ Mỹ có thể bày tỏ lo ngại trực tiếp và riêng tư đến chính phủ Anh trước khi bà May ra cáo buộc. Nhưng Mỹ đã không làm vậy. Và vì thế cũng dễ hiểu khi ông Tillerson và cả đại sứ Mỹ tại Anh đều ủng hộ lời cáo buộc của bà May.
Cũng theo The Atlantic, khi ông Trump tỏ ý nghi ngờ về sự thật, về tính xác thực trong cáo buộc Nga của Anh, đồng nghĩa với việc ông bác bỏ quan điểm đồng lòng của hai cộng đồng tình báo Anh và Mỹ về hành động của Nga.