Những năm qua, người buôn bán trên bến Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã quá quen thuộc với hình ảnh ba người phụ nữ già yếu, lọm khọm hằng ngày kiếm sống bằng nghề gánh nước biển thuê.
Theo lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Học (65 tuổi, phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) thì chỉ khi nào biển động không có tàu vào thì mới nghỉ, còn không thì làm cả năm. Bà phải dậy từ lúc 2 giờ sáng (mùa hè), 3 giờ sáng (mùa đông) và công việc kết thúc vào 9 giờ sáng. Ảnh: NGUYỄN TRI
“Tôi làm nghề này cũng được năm năm rồi. Những lúc thời tiết thất thường như thế này làm vất vả quá, mà nếu như không làm thì lấy gì sống” - bà Học nói thêm. Ảnh: NGUYỄN TRI
Nước được lấy từ biển, hễ thấy ai kêu thì gánh nước mang tới. Cứ thế suốt bảy giờ liền các bà làm việc gần như không nghỉ. Ảnh: NGUYỄN TRI
Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Học vẫn phải đi làm, nhiều lúc đang gánh nước chân giẫm lên vỏ sò, vỏ ốc chảy máu là chuyện bình thường. Ảnh: NGUYỄN TRI
Cô Hà Thu Nữ (45 tuổi, người buôn bán cá tại khu vực bến Thọ Quang) cho biết: “Những người gánh nước này họ làm việc vất vả lắm. Bởi thế những người buôn bán quanh đây thấy tội nên thuê những người này gánh rồi trả 5.000-10.000 đồng. Nhiều người khác thấy tội quá nên cho thêm vài ba chục”. Ảnh: NGUYỄN TRI
Còn đối với bà Ngô Thị Nhứt (65 tuổi, phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) người có hơn 20 năm gánh nước thuê tại biển Thọ Quang thì cho biết ngoài việc gánh nước thì ai thuê gì làm đó, cố gắng kiếm thêm mấy ngàn đồng về nuôi cháu. Được biết con gái bà đi làm xa nên ngoài việc đi làm để tự nuôi bản thân, bà còn phải nuôi thêm cháu ngoại của mình. Ảnh: NGUYỄN TRI
“Sáng tôi kiếm được 40.000 đồng. Còn những ngày thời tiết thuận lợi, biển không động thì tôi làm được 60.000 đồng, đi làm vất vả nhưng tiền đem về đi chợ cái là hết” - bà Ngô Thị Oá (50 tuổi, phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) người cũng có hơn 10 năm làm nghề gánh nước thuê chia sẻ. Ảnh: NGUYỄN TRI
“Chừ về đi chợ, ăn cơm rồi ngủ. Còn nếu ngày nào đi gánh nước mà nó đau chân hay đau lưng quá thì về kêu xe ôm lên bệnh viện khám. Như tôi, cái chân giờ vẫn đang rất đau nhưng vẫn phải cố gắng đi làm để kiếm tiền nuôi cháu” - bà Oá cười nói thêm. Ảnh: NGUYỄN TRI
Từ bến Thọ Quang về tới nhà bà Học đi bộ gần 1 km nhưng sáng nào hình ảnh người phụ nữ già yếu, gầy gò gánh trên lưng thùng nước đã trở nên quen thuộc với bà con hàng xóm. Ảnh: NGUYỄN TRI
“Tôi chỉ có một đứa con gái nhưng nó lấy chồng tận miền Nam. Chừ tôi chỉ ở một mình, nhiều lúc trở trời chân tay cứ đau đi lại không được mà không biết nhờ vả ai” - bà Học buồn bã nói. Ảnh: NGUYỄN TRI
Sau những giờ làm lụng vất vả, bà lại trở về với ngôi nhà nhỏ dọn dẹp. Cứ thế những người phụ nữ này chắt chiu từng đồng để sống qua ngày. Ảnh: NGUYỄN TRI