Chiều 6-12, Hội lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM tổ chức đại hội nhiệm kỳ VI (2023-2028).
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ VI gồm 31 thành viên, gồm một chủ tịch, tám phó chủ tịch trong đó có một phó chủ tịch thường trực. Bà Lý Kim Chi tái đắc cử Chủ tịch Hội LTTP TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết thời gian qua Hội LTTP TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh đầu tư, liên kết giữa các DN sản xuất trong nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất; tăng cường cạnh tranh thông qua các kênh hợp tác kinh doanh quốc tế…
Đặc biệt quảng bá lương thực thực phẩm của Việt Nam ra thế giới qua các hội chợ tại thị trường Thái Lan, Nhật Bản…
Sở Công Thương mong muốn ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ giữ vững, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục là cầu nối giữa DN với chính quyền TP.HCM.
Theo bà Ngọc, nhận thức được vai trò quan trọng của ngành chế biến lương thực TP, thành phố đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm giai đoạn 2020-2030 để thúc đẩy ngành LTTP phát triển hơn trong thời gian tới.
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng DN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị DN hướng tới phát triển bền vững. Thành phố cam kết tiếp tục đồng hành để DN tiếp tục phát triển ngày càng lớn mạnh”-bà Ngọc nói.
Bà Chi bày tỏ tri ân sự đồng hành của thành phố, sở ngành đối với hội.
Theo bà Chi, nhiệm kỳ VI diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vừa đặt ra những cơ hội lẫn thách thức; yêu cầu ngày càng cao đối với sự phát triển của hội.
Về cơ hội, hiện nay TP.HCM đã và đang xây dựng các giải pháp để triển khai thực hiện nghị quyết 98. Các chính sách thúc đẩy mới của Chính phủ và thành phố trong phát triển nông nghiệp, tăng cường thúc đẩy chế biến sâu, bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô của DN ngành LTTP đến năm 2030.
Về thách thức, đó là sự xung đột các nước trên thế giới, vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng... Giá cả nguyên vật liệu sản xuất và dịch vụ logistics luôn biến động, có xu hướng tăng là hai vấn đề chính tác động đến sản xuất, xuất khẩu của DN lương thực.
Hơn nữa, việc người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong chọn thực phẩm, gia tăng yêu cầu tính bền vững đối với sản phẩm, truy xuất nguồn gốc... đã ảnh hưởng không nhỏ đến DN chế biến lương thực thực phẩm hiện nay.
Bên cạnh đó các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang bị cạnh tranh từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh… Thêm nữa, thị trường các nước xuất khẩu gia tăng rào cản phi thuế quan rất khắt khe.
Trước tình hình này Hội LTTP nhiệm kỳ VI đã đề ra những phương hướng cụ thể để hỗ trợ hội viên có định hướng phát triển phù hợp.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối giữa DN và chính quyền thành phố. Phấn đấu 100% DN hội viên được cập nhật các thay đổi trong xu hướng sản xuất tiêu dùng thế giới.
Nâng cao vai trò hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, ổn định chất lượng xây dựng thương hiệu mạnh phát triển thị phần.
Hội LTTP TP.HCM có 1.000 hội viên gồm chính thức và liên kết. Nhiệm kỳ VI qua sàng lọc đã kết nạp 49 thành viên mới là DN có quy mô, độ nhận diện thương hiệu cao trong ngành.
Mục tiêu cuối nhiệm kỳ VI tăng 30% hội viên.