Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo vẫn đảm bảo an ninh lương thực

(PLO)-  Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN&PTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN&PTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu” - thông tin trên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết trong báo cáo giải trình các vấn đề chất vấn gửi các đại biểu Quốc hội mới đây.

Theo kế hoạch, vào chiều 15-8 tới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề của ngành nông nghiệp tại phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với các nội dung trọng tâm về tháo gỡ thẻ vàng IUU, xuất khẩu nông sản, xuất khẩu gạo.

Bộ NN&PTNT khẳng định năm 2023 có thể xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo. Ảnh minh hoạ: AH

Bộ NN&PTNT khẳng định năm 2023 có thể xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo. Ảnh minh hoạ: AH

Theo Bộ trưởng, tổng diện tích lúa cả nước năm 2023 có khoảng 7,1 triệu ha. Năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha. Sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452 ngàn tấn so với năm 2022.

“Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” - Bộ trưởng cho biết.

Với 43,1 triệu tấn tóc này phân bổ cho nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước khoảng 29,5 triệu tấn thóc. Cụ thể:

- Tiêu thụ của người dân: 13,8 triệu tấn thóc.

- Phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn thóc.

- Phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn thóc.

- Dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn thóc.

- Dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn thóc.

Bộ trưởng cho biết, so sánh với năm 2021 nhu cầu sản lượng thóc dành cho bảo đảm an ninh lương thực và các nhu cầu nội địa khác của cả nước là 23,78 triệu tấn. Do vậy, năm 2023 dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao.

“Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN&PTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bên cạnh lượng sản xuất thì hàng năm chúng ta còn nhập khẩu. Ví dụ lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết.

Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Nên việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thuỷ sản và chục triệu tấn rau quả. Bộ NN&PTNT đánh giá, về tổng thể ở cấp độ quốc gia về vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo.

Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của nhiều nước tăng liên tục, đặc biệt sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE, Nga. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã đạt 638 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 618 USD/tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm