Cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc (TQ) tiếp tục diễn biến căng thẳng khi TP Thượng Hải chứng kiến số người nhiễm và tử vong ngày càng tăng, trong khi thủ đô Bắc Kinh bắt đầu có dấu hiệu bùng dịch nặng. Giới chức TQ liên tục phát đi các cảnh báo nghiêm trọng và cân nhắc siết các biện pháp phòng chống dịch.
Người dân Bắc Kinh di chuyển trong ga tàu điện ngầm ngày 23-4. Ảnh: AP |
Thượng Hải ngày hàng chục người chết vì COVID-19
Theo hãng tin Reuters, số liệu từ cơ quan y tế Thượng Hải công bố ngày 24-4 cho thấy TP này vừa ghi nhận thêm 51 ca tử vong do COVID-19, tất cả đều là người cao tuổi và có bệnh nền. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở Thượng Hải lập kỷ lục kể từ khi TP áp dụng biện pháp phong tỏa hồi tháng 3. Một ngày trước đó, Thượng Hải ghi nhận 39 ca tử vong. Kể từ ca tử vong đầu tiên ghi nhận hôm 18-4, Thượng Hải đến nay đã có 138 trường hợp chết vì dịch.
Cũng trong ngày 24-4, Thượng Hải ghi nhận thêm gần 17.000 ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, giảm so với gần 20.000 ca ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca nhiễm có triệu chứng là 2.472, tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó.
Phó Thủ tướng TQ Tôn Xuân Lan, người đã ở Thượng Hải chỉ đạo công tác phòng chống dịch từ ngày 2-4, cho rằng TP này phải “thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguồn lây một cách triệt để nhất” và có biện pháp kiên quyết nhất để khống chế được dịch bệnh, bởi “thời gian thực hiện càng lâu thì nguồn lực càng tiêu hao, dịch bệnh càng kéo dài”.
Theo các chuyên gia TQ, thông thường thì một đợt bùng phát sẽ bắt đầu lắng xuống sau khoảng một hoặc hai chu kỳ ủ bệnh (7-14 ngày) từ khi siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Nếu Thượng Hải vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, điều này cho thấy sự lây lan vẫn đang âm thầm lan rộng trong TP.
Dù vẫn còn phong tỏa song giới chức Thượng Hải tuần này đã bắt đầu cho phép một số cơ sở kinh doanh phù hợp hoạt động lại để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khoảng 1/5 số cửa hàng tại các trung tâm thương mại tại Thượng Hải đã được nối lại hoạt động trực tuyến với kế hoạch mở rộng thêm trong thời gian tới.
Theo Reuters
Bắc Kinh báo động
Trong khi Thượng Hải vẫn là điểm nóng dịch thì thủ đô Bắc Kinh cũng bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng. Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh từ ngày 23 đến 24-4 ghi nhận 41 bệnh nhân; những người này tập trung nhiều nhất ở quận Triều Dương phía đông thủ đô, sau đó đến quận Phòng Sơn phía tây nam và quận Thuận Nghĩa phía đông bắc. Khoảng hơn 1.200 người tiếp xúc gần với các ca bệnh phải cách ly cùng hơn 30 tòa nhà bị phong tỏa. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh (BCDC), các ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu ở thủ đô khoảng một tuần trước và liên quan đến các trường học, công sở.
Đến nay, các ca bệnh ở Bắc Kinh chủ yếu là học sinh, khách du lịch tham gia các tour dành cho người cao tuổi và nhân viên trang trí nội thất. Tuy nhiên, trong các ca bệnh mới có tới 1/4 là người từ 60 tuổi trở lên, trong khi tỉ lệ người chưa được tiêm vaccine trong nhóm người cao tuổi dương tính lên tới 50%.
Cơ quan y tế quận Triều Dương cho biết sắp tới sẽ triển khai ba đợt xét nghiệm hàng loạt vào các ngày 25, 27 và 29-4. Giới chức địa phương này cũng khẳng định việc xét nghiệm mở rộng nhằm ngăn chặn và cắt đứt tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19, qua đó bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
BCDC cho biết công tác phòng chống dịch tại Bắc Kinh đang diễn ra hết sức gay gắt, phức tạp, đối mặt với nhiều nguy cơ, áp lực phòng chống dịch liên tục gia tăng. BCDC khẳng định cần thực hiện các biện pháp quyết đoán nhất để kiểm soát rủi ro, kiên quyết ngăn chặn chuỗi lây nhiễm của virus.
Một chuyên gia cấp cao thuộc BCDC giấu tên cho biết nhờ rút ra bài học từ đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải và các tỉnh khác, Bắc Kinh có thể sẽ đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn. Về việc Bắc Kinh có phong tỏa toàn thủ đô hay phong tỏa một phần hay không, chuyên gia này nhận định điều đó phụ thuộc vào phạm vi lây nhiễm ở Bắc Kinh.•
Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện tình trạng tích trữ hàng hóa
Một số khu vực ở Bắc Kinh có các ca nhiễm COVID-19 đã xảy ra tình trạng người dân mua sắm hoảng loạn khiến một số khu chợ bị thiếu hàng tạm thời. Để xoa dịu tình hình, các công ty thương mại điện tử thực phẩm tươi sống ở Bắc Kinh đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp để phân bổ và tăng nguồn cung hàng hóa, bao gồm thịt, gia cầm, trứng, sữa, trái cây tươi và rau quả. Tuy nhiên, nhiều nền tảng thương mại điện tử về thực phẩm đã báo cáo tình trạng thiếu khả năng phân phối khi người dân cố gắng đặt mua thực phẩm trực tuyến ngày 24-4.
Cục Thương mại TP Bắc Kinh nhấn mạnh đủ nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày ở thủ đô và các tuyến giao thông đến nguồn cung cấp hàng hóa đang hoạt động bình thường. Cơ quan này kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử chính tăng lượng hàng dự trữ và bổ sung nhân lực để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng.
South China Morning Post dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng phản ứng của công chúng Bắc Kinh là một trong những bài học rút ra từ đợt bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải, nơi người dân bị thiếu lương thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.