Hướng giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu

(PLO)- Việc chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng xanh bền vững và nhu cầu đảm bảo tự cung tự cấp lương thực ngày càng quan trọng trước những biến động về thời tiết và địa chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hai năm đầy rẫy khó khăn do đại dịch COVID-19, thế giới lại tiếp tục phải đương đầu với những bất ổn về an ninh năng lượng và mối đe dọa ngày càng hiện hữu của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tình hình này đã làm nổi rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và hướng tới một nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn, cũng như sự cần thiết phải đánh giá lại thị trường lương thực toàn cầu.

Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12-2021, Bắc Kinh đã xác định việc cung cấp an toàn các mặt hàng chính như nông sản, khoáng sản và năng lượng là một trong năm “vấn đề lý thuyết và thực tiễn quan trọng”.

Giảm xăng dầu, khí đốt, hướng tới nguồn năng lượng xanh, sạch

Theo tờ South China Morning Post, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã thúc đẩy giá hàng hóa và năng lượng tăng cao chưa từng có. Do đó, chính phủ các nước đang chú trọng nhiều hơn vào việc cải thiện khả năng tự cung cấp lương thực và năng lượng cho mình, đồng thời giảm sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung dầu, khí đốt, phân bón, kim loại công nghiệp và thực phẩm của Nga.

Tại châu Âu, các quốc gia ở khu vực này đã có những cam kết quan trọng để thúc đẩy sản xuất năng lượng, bao gồm việc đẩy nhanh triển khai các nguồn năng lượng xanh. Vào năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo từ 32% lên 40% đến năm 2030, trong khi Ủy ban châu Âu gần đây cũng đã đề xuất mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.

Trong khi một số nước dự tính chuyển sang năng lượng hạt nhân, những quốc gia khác đã lên kế hoạch bắt đầu tăng công suất sản xuất năng lượng mặt trời, thủy điện và năng lượng gió. Chẳng hạn, Đức đang có kế hoạch tăng đáng kể sản lượng điện gió trên đất liền và ngoài khơi. Anh cũng đặt mục tiêu sản xuất 95% điện năng của đất nước từ các nguồn carbon thấp vào năm 2030.

Ở Mỹ, mục tiêu hướng tới nguồn năng lượng bền vững của nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi Tổng thống Joe Biden không đạt được các mục tiêu giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu mà ông từng đề ra trong chiến dịch tranh cử vào năm 2019 do phải đối mặt với vấn nạn lạm phát tăng cao, cũng như cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Washington phải giải phóng lượng dầu thô kỷ lục từ các nguồn dự trữ để có thể đảm bảo nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đã thực hiện một số hành động cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm thắt chặt các quy định liên bang về khí thải độc hại từ xe cộ như hydrofluorocarbon và khí metan, đồng thời thông báo sẽ chuyển dần sang xe điện và lên kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả cho các tòa nhà liên bang. Quốc gia này cũng tái ký kết hiệp định khí hậu Paris, thúc đẩy các quốc gia thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, theo hãng tin Reuters.

Các tuabin gió được xây dựng trước một nhà máy nhiệt điện than ở Đức. Ảnh: AP

Các tuabin gió được xây dựng trước một nhà máy nhiệt điện than ở Đức. Ảnh: AP

Tập trung hướng tới khả năng tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm

Bên cạnh những biến động trong thị trường năng lượng - vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở châu Âu và Mỹ, vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các cuộc xung đột chính trị cũng dẫn đến việc xuất khẩu nông sản trên thế giới bị thắt chặt hơn, gây áp lực lên giá lương thực - tác nhân chính cho tình trạng lạm phát ở châu Á. Nga và Ukraine đóng góp đáng kể vào thị trường ngũ cốc, chiếm 28% sản lượng lúa mì toàn cầu và khoảng 18% sản lượng ngô cả thế giới. Do đó, giá lúa mì và ngô đã lần lượt tăng 43% và 33% trong năm nay.

Ngoài những tác động ngắn hạn của bất ổn địa chính trị, tác động dài hạn của biến đổi khí hậu có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng giá lương thực và chi phí sản xuất gia tăng. Những thay đổi về lượng mưa có thể gây ra thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hán, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, các hộ gia đình ở châu Á phải chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu thực phẩm, một số quốc gia còn có thể rơi vào tình trạng lạm phát lương thực.

Bất kỳ sự tăng vọt nào của giá lương thực đều có thể bóp chết sức mua của các hộ gia đình, gây nguy hiểm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Do đó, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực của nước khác như Ấn Độ, Philippines và Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc hơn trước biến động giá lương thực toàn cầu. Do đó, khả năng tự cung cấp lương thực chính là một giải pháp hữu ích cho sự nhạy cảm của nền kinh tế đối với những thay đổi trong chi phí lương thực toàn cầu.

Với khả năng tự cung tự cấp cao, tình hình mức giá lương thực của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đang ở mức cân bằng. Trong khi đó, Úc, New Zealand và Thái Lan, những quốc gia có nguồn xuất khẩu nông nghiệp lớn, đều đang đối mặt với cú sốc lương thực toàn cầu. Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12-2021, Bắc Kinh đã xác định việc cung cấp an toàn các mặt hàng chính như nông sản, khoáng sản và năng lượng là một trong năm “vấn đề lý thuyết và thực tiễn quan trọng”.

Hiện tại, mức lạm phát giá lương thực của châu Á vẫn tương đối ổn định. Tại Trung Quốc, mức lạm phát đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3, nhờ giá thịt heo giảm 41,4% so với cùng kỳ năm 2021 do nguồn cung mạnh mẽ. Mặc dù lạm phát giá lương thực ở Thái Lan (4,6% vào tháng 3) và Malaysia (3,7% vào tháng 2) đều ở mức cao nhất trong thời gian lần lượt tám và bốn năm qua, tốc độ lạm phát gia tăng như vậy không phải quá nhanh.

Nhìn về phía trước, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, việc hỗ trợ tài khóa dưới hình thức cắt giảm thuế và trợ cấp lương thực, phân bón để người dân có thể tự trồng trọt và hỗ trợ nguồn lương thực trong nước sẽ giúp giảm bớt nguy cơ giá lương thực tăng cao. Về lâu dài, việc chuyển đổi sang tự cung tự cấp lương thực sẽ ngày càng trở nên quan trọng và là điều mà các chính phủ phải tính đến trong các quyết sách.•

Trung Quốc chuyển sang năng lượng hạt nhân, giảm khí thải nhà kính

Vào ngày 22-4, Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) thông báo Trung Quốc sẽ chấm dứt 15 dự án nhiệt điện than đang trong giai đoạn lập kế hoạch ở nước ngoài có công suất khoảng 12,8 GW. Theo tờ Nikkei Asia, chính quyền Bắc Kinh cũng đã phê duyệt việc xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân như một phần của kế hoạch giảm lượng khí thải CO2 bằng cách tăng hơn gấp đôi công suất điện hạt nhân trong thập niên này. Trước đó, vào tháng 9-2021, tại khóa họp 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định sẽ chấm dứt tài trợ cho các dự án sử dụng than đá ở nước ngoài, góp phần nỗ lực cùng với các nước giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm