Truyền thông Mỹ nói về cách duy nhất để ngừng cuộc chiến ở Ukraine

(PLO)- Việc phương Tây tăng cường trừng phạt và chuyển khí tài cho Ukraine có thể sẽ không hiệu quả trong việc kết thúc chiến sự, điều cần thiết hiện tại là một thỏa thuận hòa bình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến lược của Mỹ giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga thông qua áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow và cung cấp vũ khí tiên tiến cho Kiev có thể sẽ không thành công.

Theo đài CNN, điều cần thiết hiện tại là một thỏa thuận hòa bình, song để đạt được thỏa thuận như vậy thì Mỹ sẽ phải thỏa hiệp về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - thứ mà đến nay Mỹ vẫn từ chối thực hiện.

Trước khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi cho phương Tây một danh sách các yêu cầu đảm bảo an ninh, trong đó đáng chú ý nhất là việc ngừng mở rộng NATO. Theo CNN, giờ là lúc thích hợp để xem lại chính sách mở rộng này. Theo đó, ông Putin cũng sẽ phải thể hiện sẵn sàng nhượng bộ để các cuộc đàm phán đi đến thành công.

Cách tiếp cận theo hướng vũ trang và trừng phạt của Mỹ nghe có vẻ thuyết phục trước dư luận nước nhà, nhưng không thực sự hiệu quả trên trường quốc tế. Các động thái này ít nhận được sự ủng hộ bên ngoài Mỹ và châu Âu, và cuối cùng chúng có thể phải đối mặt với phản ứng chính trị từ chính bên trong Mỹ và châu Âu.

Cảnh đổ nát ở TP Mariupol, Ukraine hôm 22-4. Ảnh: REUTERS

Cảnh đổ nát ở TP Mariupol, Ukraine hôm 22-4. Ảnh: REUTERS

Có vô số vấn đề với các biện pháp trừng phạt kinh tế

Thứ nhất, ngay cả khi các lệnh trừng phạt gây ra khó khăn về kinh tế ở Nga, chúng cũng không có khả năng thay đổi nền chính trị cũng như chính sách của Moscow theo bất kỳ cách nào. Trước đó Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela, Iran và Triều Tiên, tuy có làm suy yếu các nền kinh tế này, nhưng Washington đã không thể thay đổi nền chính trị hoặc chính sách của các quốc gia vừa nêu.

Thứ hai, ít nhất một phần các biện pháp trừng phạt rất dễ bị “lách” và theo thời gian, khả năng cao sẽ xuất hiện nhiều hành vi “lách trừng phạt” hơn. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu quả nhất đối với các giao dịch dựa trên đồng USD và liên quan đến hệ thống ngân hàng Mỹ.

Các quốc gia muốn lách trừng phạt sẽ tìm cách thực hiện các giao dịch thông qua các phương tiện phi ngân hàng hoặc phi đô la. Trong tương lai, các giao dịch của nước ngoài với Nga thông qua đồng rúp (Nga), rupee (Ấn Độ), đồng nhân dân tệ (Trung Quốc) và các loại tiền tệ không phải đô la khác có xu hướng ngày càng tăng.

Thứ ba, hầu hết các nước trên thế giới không tin vào các lệnh trừng phạt và giữ lập trường trung lập đối với cuộc chiến Nga-Ukraine. Tổng dân số của các quốc gia và khu vực áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, gồm Mỹ, Anh, EU, Nhật, Singapore, Úc, New Zealand và một số quốc gia khác,, chỉ chiếm 14% dân số thế giới.

Thứ tư là hiệu ứng boomerang (hiệu ứng ngược - đề cập đến việc nhận lại phản ứng trái chiều, tác động ngược lại với thông điệp gốc). Các lệnh trừng phạt đối với Nga gây tổn hại không chỉ cho Nga mà toàn bộ nền kinh tế thế giới, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và tình trạng thiếu lương thực.

Đây là lý do tại sao nhiều nước châu Âu có thể sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt và dầu từ Nga, và tại sao Hungary và một số nước châu Âu khác sẽ đồng ý thanh toán cho Nga bằng đồng rúp. Hiệu ứng ngược từ các lệnh trừng phạt cũng có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến đảng Dân chủ của ông Biden trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới, khi tình trạng lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến cử tri.

Thứ năm là nhu cầu đối với năng lượng và ngũ cốc của Nga lại không thay đổi, theo đó, bất kể giá của chúng bao nhiêu, người dân vẫn tiếp tục mua sử dụng. Khi áp đặt trừng phạt nhắm vào xuất khẩu Nga khiến suy giảm số lượng hàng hóa, giá của những mặt hàng đó tăng lên. Kết quả là, Nga có thể xuất khẩu ít đi nhưng thu nhập từ nguồn này lại gần bằng hoặc thậm chí cao hơn trước đây.

Thứ sáu là địa chính trị. Các quốc gia khác nhìn cuộc chiến Nga-Ukraine ở mức độ nào đó là nỗ lực của Moscow chống lại sự mở rộng của NATO sang Ukraine.

Mỹ nói rằng NATO là một liên minh phòng thủ thuần túy, nhưng Nga, Trung Quốc và những nước khác lại không nghĩ như vậy. Các nhà lãnh đạo Nga đã phản đối chiến dịch “đông tiến” của NATO kể từ giữa những năm 1990, khi khối này kết nạp Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan. Tổng thống Putin đã kêu gọi NATO ngừng mở rộng sang Ukraine, song nhà lãnh đạo Mỹ đã từ chối đàm phán với Nga về vấn đề này.

Tóm lại, nhiều quốc gia sẽ không ủng hộ sức ép toàn cầu lên Nga, vốn có thể dẫn đến sự mở rộng của NATO. Phần còn lại của thế giới muốn hòa bình, không phải là chiến thắng của Mỹ hoặc NATO trong cuộc chiến ủy nhiệm với Nga.

Cách duy nhất kết thúc cuộc chiến

Vũ khí trang bị của NATO gửi cho Ukraine đã giáng một đòn mạnh và nặng nề vào lực lượng Nga. Tuy nhiên, theo CNN, Nga khó có khả năng tuyên bố thất bại và rút lui, thậm chí Moscow còn có nhiều khả năng leo thang, chẳng hạn sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, vũ khí của NATO có thể gây ra tổn thất lớn cho Nga nhưng không thể cứu Ukraine.

Theo đó, chỉ có một thỏa thuận hòa bình mới có thể chấm dứt cuộc chiến này. Trên thực tế, cách tiếp cận hiện tại sẽ làm suy yếu sự ổn định kinh tế và chính trị trên toàn thế giới và có thể chia thế giới thành phe ủng hộ NATO và chống NATO, gây tổn hại sâu sắc về lâu dài cho Mỹ.

Do đó, chính sách ngoại giao của Mỹ hiện tại không mang lại nhiều cơ hội thành công cho Ukraine cũng như lợi ích cho Washington. Thành công thực sự là Nga rút quân và Ukraine đảm bảo được an ninh, và kết quả này chỉ có thể đạt được trên bàn đàm phán.

Bước quan trọng là Mỹ, các đồng minh NATO và Ukraine phải làm rõ rằng NATO sẽ không mở rộng sang Ukraine, và đổi lại Nga sẽ rút hết lực lượng về nước và chấm dứt chiến dịch quân sự hiện tại. Tất nhiên, các cuộc đàm phán có thể thất bại nếu yêu cầu của Nga vẫn không được chấp thuận. Tuy nhiên, các bên nên cố gắng để xem liệu có thể đạt được hòa bình thông qua sự trung lập của Ukraine được quốc tế đảm bảo hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm