Tử vong sơ sinh cao chứng tỏ công tác chăm sóc trước sinh cũng như chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức trong cuộc đẻ và sau sinh đối với trẻ sơ sinh còn nhiều bất cập. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết “Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015” do Bộ Y tế tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 16-12 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện sản-nhi trên cả nước.
54% bà mẹ tử vong khi chuyển dạ
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Bộ Y tế, đến hết tháng 9, cả nước có hơn 1,2 triệu phụ nữ sinh đẻ (thấp hơn cùng kỳ năm 2013) và hơn 97,5% sản phụ được sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 50.000 bà mẹ sinh đẻ không được nhân viên y tế đỡ. Nguyên nhân là do việc tiếp cận với các cơ sở y tế có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nhiều phong tục lạc hậu nên một số bà mẹ thường đẻ tại nhà.
Hiện tỉ lệ tử vong mẹ cũng đã giảm đáng kể, có 148 ca tử vong mẹ (so với 172 ca năm 2013). Trong đó các nguyên nhân trực tiếp chiếm hàng đầu như băng huyết, thuyên tắc ối… Còn lại là do các nguyên nhân gián tiếp như tim mạch, não, bệnh gan, nhiễm khuẩn khác... Theo các bác sĩ, hơn 54% tử vong mẹ xảy ra ở thời điểm chuyển dạ và trong vòng một ngày sau đẻ. Đây là khoảng thời gian rất đáng lưu ý trong quá trình tiếp nhận và chăm sóc, cấp cứu sản phụ. Các vùng có tỉ suất tai biến sản khoa cao hơn mức trung bình cả nước là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tiêm phòng vaccine là một biện pháp quan trọng phòng ngừa tử vong cho trẻ. Ảnh: D.HẰNG
Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng công bố kết quả điều tra biến động dân số cho thấy tỉ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi và dưới năm tuổi đã giảm xuống còn 15,3/1.000 và 23,1/1000 trẻ đẻ sống.
“Căn cứ vào số liệu thì Việt Nam còn nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong trẻ em dưới một tuổi và dưới năm tuổi. Cần phải đầu tư tương xứng và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cũng như các can thiệp chuyên môn đặc thù. Điều đáng quan tâm là tỉ suất tử vong trẻ em ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cao hơn rõ rệt so với các khu vực khác. Vì vậy cần đặc biệt ưu tiên các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh ở hai khu vực trên” - PGS-TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cho biết.
25,6% bệnh viện huyện không có bác sĩ sản
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn nhân lực về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa đang rất thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện. Hầu hết bệnh viện đều bố trí khoa sản chung với khoa ngoại để tận dụng nguồn nhân lực. Theo thống kê, hiện nước ta chỉ có 0,33 bác sĩ chuyên khoa sản/10.000 dân và 0,2 bác sĩ nhi/10.000 dân. “Có tới 25,6% bệnh viện đa khoa huyện không có bác sĩ chuyên khoa sản. Việc thiếu bác sĩ trực đã ảnh hưởng đến việc theo dõi và xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra, đặc biệt là khi có quá đông sản phụ thì càng dễ xảy ra sai sót” - bà Hồng nói.
Theo ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, hiện tình trạng quá tải vẫn khá phổ biến tại hầu hết bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi; không chỉ ở tuyến trung ương mà cả ở các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa, nhi khoa ở tuyến dưới. Cơ sở trang thiết bị các khoa sản-nhi rất khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản khoa - nhi khoa.
Hiện cả nước chỉ có hơn 66,9% bệnh viện tuyến huyện có khả năng mổ đẻ, còn lại đều phải chuyển lên tuyến trên.
Cũng theo thông tin từ hội nghị, tỉ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ và phụ nữ mang thai còn cao. Ước tính Việt Nam có khoảng 4.600 bà mẹ mang thai có HIV (+). Như vậy, nếu không có các can thiệp, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì mỗi năm nước ta có khoảng 1.400 trẻ em có nguy cơ nhiễm loại virus “tử thần” này từ người mẹ. Vấn đề này cần được quan tâm, đầu tư thỏa đáng trong những năm tới vì dự phòng lây truyền mẹ con mang lại hiệu quả không chỉ về y học mà còn mang tính nhân văn cao. Chúng tôi đã chỉ đạo và kiến nghị Sở Y tế các tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân hành nghề khám, chữa bệnh sản khoa, trẻ em. Khi có trường hợp tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều phải được làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm chuyên môn. PGS-TS LƯU THỊ HỒNG, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe |