Bác sĩ gác chân khám bệnh: Đâu là giới hạn của y đức?

Ảnh: Facebook

Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh hình ảnh được đăng tải trên facebook cảnh một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao (Phú Thọ) bỏ dép, giẫm một chân lên giường bệnh để thăm khám cho một bệnh nhân lớn tuổi.

Ngay sau khi hình ảnh này xuất hiện trên FB, nhiều ý kiến trái chiều bức xúc trước hình ảnh không đẹp của một vị bác sĩ cũng có, mà thông cảm, biện hộ cho phong cách khám bệnh dân dã, xuề xòa cũng có.

Kỷ luật và từ chức

Phát biểu trên báoTuổi Trẻ,bà Lê Thị Vượng -Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao -cho biết sự việc trong ảnh xảy ra vào tối thứ bảy (ngày 13-6) tại khoa cấp cứu của bệnh viện và người trong ảnh là bác sĩ CKI T.Q.H.

Ngay sau khi biết được vụ việc, ban giám đốc bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ H.viết bản kiểm điểm, giải trình vụ việc. Theo bà Vượng, bác sĩ H. đã giải thích lúc đó bị đau chân, bệnh nhân lớn tuổi bị lãng tai, không có ai hỗ trợ nên bác sĩ phải gác chân lên giường, sát với bệnh nhân để có thể hỏi bệnh được rõ hơn.

“Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên của mình phải rút kinh nghiệm, chú ý giữ gìn hình ảnh, thái độ, tránh những việc gây ra hiểu lầm, bức xúc không đáng có, nhất là trong khi ngành y đang đề cao vấn đề y đức” - bà Vượng nói trên Tuổi Trẻ.

Theo thông tin trên báo chí, đến ngày 22-6, Hội đồng xử lý kỷ luật Bệnh viện đa khoa huyện Lâm Thao đã tiến hành họp xem xét hành vi vi phạm tác phong, phong cách làm việc của Bác sỹ T.Q.H. vì đưa chân lên giường khi thăm khám bệnh nhân.

Cuộc họp diễn ra suốt hai tiếng, đã quyết định đưa ra hình thức kỷ luật đối với bác sĩ H. là miễn nhiệm chức trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh; không được hưởng chế độ bổ sung thu nhập tăng thêm trong thời hạn 12 tháng (kể từ tháng 6-2015 đến hết tháng 5-2016).

Đồng thời, bác sĩ H. cũng buộc phải kiểm điểm sâu sắc trước toàn thể cán bộ bệnh viện. Bác sĩ H. cũng đã có đơn từ chức chức trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh.

Ngay lập tức, cộng đồng mạng lại dấy lên làn sóng sững sờ, phản ứng một cách mạnh mẽ. Nhiều ý kiến của cả bác sĩ và người dân trên các diễn đàn xã hội đều cho rằng mức xử lý như vậy là quá nặng nề vì bác sĩ không vi phạm y đức.

Nhầm lẫn giữa thói tật và y đức?

Trên FB cá nhân của mình,bác sĩ Võ Xuân Sơnđã lên tiếng: “Việc bác sĩ đặt chân lên giường khi khám bệnh (kể cả có để giày hay không) là một hình ảnh không đẹp đẽ gì cho lắm, nhưng cũng không đến nỗi là thảm họa y đức như nhiều bạn nghĩ. Có ai trong đời không có những lúc có những tư thế hớ hênh? Có ai trong đời không có những lúc có một động tác không phù hợp với hoàn cảnh? Có ai trong đời không có lúc buông một tiếng chửi thề?

Nói như vậy không phải tôi phủ nhận việc bác sĩ và nhân viên y tế cần có thái độ giao tiếp tốt. Là bác sĩ có nghĩa là bạn thuộc nhóm có học thức, thường thì phải thể hiện là có văn hóa, và như vậy thì phải lịch thiệp. Và mọi bác sĩ phải học được điều đó. Nhưng nếu không đủ mức lịch thiệp, vô tình gác chân lên giường bệnh, thì cũng không có nghĩa là kém y đức.

Có lẽ chúng ta hiểu sai về y đức. Y đức là việc quan tâm đến người bệnh như thế nào, là việc hi sinh thời gian, thú vui… cho người bệnh, là việc quyết tâm trau dồi kiến thức, mang đến cho người bệnh những kĩ thuật điều trị, chẩn đoán hoàn hảo hơn, hay đơn giản chỉ là việc tìm cách để cho người bệnh bớt đau, bớt khổ…

Hãy cố gắng đừng nhầm lẫn giữa những thói tật trong sinh hoạt hàng ngày với y đức hay đạo đức nghề nghiệp. Và nhất là đừng bao giờ tìm cách nâng quan điểm”.

Người dùngLe Quoc Minhcũng thể hiện quan điểm: “Ngày xưa tôi hay nghe kể về một ông lãnh đạo toàn ngồi gác chân lên bàn. Nhiều người tỏ ra khó chịu, kể lại với giọng hằn học. Tôi thì chưa hề chứng kiến nên cũng không có cảm xúc gì. Năm 1994, lần đầu đi học dự thính trong khoa báo chí ở một trường Đại học Mỹ, thấy thầy giáo thì ngồi lên bàn, còn sinh viên vừa hút cốc Coca Cola trong lớp, vừa gác chân lên ghế, rất chi là thoải mái. Nghĩ cũng lạ cho văn hoá Tây.

Chả biết từ bao giờ tôi cũng có thói quen nghỉ ngơi buổi trưa là gác chân lên bàn, cầm cuốn sách đọc hay chơi game trên điện thoại, có khi là lướt web trên iPad. Tôi cảm thấy thoải mái, như thể máu được chảy ngược lại. Tất nhiên, tôi không gác chân lên bàn trước mặt người khác, nhất là khi có người lớn tuổi hơn mình. Nhưng nếu bước vào phòng mà có ai đó gác chân lên bàn thì thấy cũng bình thường, trừ lúc họp. Tôi cho rằng hành động gác chân, hay một hành động nào khác, có thể không đẹp, có lúc thậm chí dở, nhưng nó không hoàn toàn phản ánh bản chất của một con người…”.

****

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên kênh VTV1 tối 21-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện một đề án, ban hành quyết định để thực hiện chương trình hành động là đổi mới toàn diện, phong cách và thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Và một trong những nội dung chính của đề án này là toàn bộ nhân viên y tế phải ký cam kết để đổi mới toàn diện thái độ với khẩu hiệu niềm nở khi bệnh nhân đến, tận tụy khi bệnh nhân ở và chu đáo khi bệnh nhân về.

Đó là những đổi thay mà không người bệnh, người dân nào không mong mỏi, gửi gắm đến ngành y tế. Tuy nhiên, với riêng trường hợp của vị bác sĩ này, liệu hành vi gác chân lên giường trong khi khám bệnh, dĩ nhiên không ai ủng hộ, nhưng có thể coi là vi phạm y đức và liệu có đáng để phải chịu mức kỷ luật nặng nề như bệnh viện đa khoa Phú Thọ vừa ban hành?

Mức kỷ luật căn cứ theo Nghị định 27 của Chính phủ về việc miễn nhiệm đối với các trường hợp vi phạm quy chế của cán bộ công nhân viên chức tại các cơ quan.

Trường hợp của bác sĩ H chưa đến mức cách chức, tuy nhiên anh H tự nguyện xin từ chức Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh và chức vụ Chi ủy viên của bệnh viện.

Căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ, bác sĩ H sẽ bị cắt 1 năm không được hưởng bổ sung thu nhập, đồng thời phải kiểm điểm nghiêm túc và sâu sắc trước toàn bệnh viện.

Bác sĩ H mặc dù là vô tình nhưng đã để lại hình ảnh xấu của nghề y trong mắt người dân, nên tuyệt đối phải xử lý nghiêm để răn đe và tránh tạo tiền lệ xấu trong bệnh viện.

Đây cũng là lần đầu, chứ nếu tái phạm thì sẽ khó tránh khỏi mức kỉ luật đình chỉ công tác.

Hơn nữa, trong 12 điều y đức của Bộ Y tế có quy định rất rõ về thái độ chuẩn mực của bác sĩ đối với bệnh nhân.

(Trích phát biểu của bà Lê Thị Vượng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Lâm Thao – Theo Tri Thức Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới