Cả lớp đều nghĩ, rằng thầy đang nhục mạ bạn ấy, vì với trình độ của bạn ấy, không ai hỏi như vậy cả. Không khi trong lớp rất căng thẳng. Đúng lúc ấy, tôi buột miệng nói tiếng Việt: màu cứt ngựa. Cả lớp cười ồ. Thầy giận quá và đưa tôi lên Ban Giám hiệu.
Hôm nay, đọc tin về cuộc vận động “ba xin” của Bộ trưởng Bộ Y tế, thoạt đầu, tôi có cảm giác giống như hồi xưa. Tầm cỡ các trí thức, ăn học bao nhiêu năm, vậy mà phải học bài học của các cháu mới vào mẫu giáo: xin chào, xin lỗi, xin phép. Thế nhưng, khi nghĩ lại, thấy Bộ Trưởng có lí.
Một thời gian dài, cái nền giáo dục này dạy cho người ta những tư tưởng cao siêu, những triết học mà không ai hiểu nổi, nhưng lại quên mất việc dạy những phép tắc tối thiểu trong giao tiếp, dẫn đến những phát ngôn, những xưng hô rất thiếu văn hóa, ở cả ngay những người có ăn học, có bằng cấp, có địa vị.
Xin chào, xin lỗi, xin phép, và cả cám ơn nữa, là bài học đầu tiên ở mẫu giáo, do các cô nuôi dạy trẻ, dạy cho các cháu còn chưa biết tự xúc lấy ăn, chưa biết ngồi bô đúng cách. Vậy mà bây giờ, Bộ trưởng phải đề nghị các bác sĩ, điều dưỡng, những người có địa vị cao trong xã hội, học những phép tắc đơn giản đó.
Có ý kiến cho rằng, cản trở lớn nhất cho việc thực hiện cuộc vận động “ba xin” này là cơ sở vật chất quá kém, bệnh nhân quá đông, áp lực công việc quá cao, đồng lương cán bộ y tế quá thấp...
Tôi nghĩ rằng, tất cả những trở ngại nêu trên làm cho ngành y chậm phát triển, cản trở các bác sĩ thể hiện được y đức và khả năng chuyên môn của mình, chứ không thể biện minh cho việc những trí thức mà không có nền tảng giao tiếp cơ bản, không thể hiện được, rằng mình là người có giáo dục.
Chẳng riêng gì ngành y, rất nhiều các công chức nhà nước trong bộ máy công quyền, lực lượng công an, thuế vụ, cán bộ thị trường… đều là những người học nhiều, bằng cấp lắm, nhưng vẫn cứ bị thiếu giáo dục, thiếu văn hóa.