Bài 2: Phương Tây gửi Ukraine những gì để đối phó kho ‘đồ chơi’ xịn của Nga

(PLO)- Phương Tây đã gửi các hệ thống tên lửa, pháo, phương tiện bay không người lái (UAV) cho Ukraine để đối phó hỏa lực của Nga. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã tích cực "rót" nhiều vũ khí tiên tiến cho Ukraine chống lại Nga.

Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS)

Mỹ đã gửi cho Ukraine 4 hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS và dự kiến sẽ gửi thêm một số hệ thống này nữa cho Ukraine trong tương lai.

Bệ phóng của HIMARS gồm 6 tên lửa dẫn đường hoặc 1 tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) được đặt trên các xe tải chiến thuật hạng trung (FMTV) nặng 5 tấn, theo trang Military.com.

Tên lửa của HIMARS mang đầu đạn nặng khoảng 90 kg và có thể nhắm tới các mục tiêu ở cách 72 km. HIMARS có khả năng tự nạp đạn và điều này khiến nó trở thành hệ thống tên lửa phóng loạt “đỉnh” nhất thế giới.

Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS). Ảnh: GETTY IMAGES

Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS). Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của HIMARS tương đương với hệ thống pháo phản lực đa nòng Smerch của Nga nhưng nó có độ chính xác cao hơn "đối thủ" Nga.

Với tầm bắn hơn 70 km, HIMARS được kỳ vọng là sẽ giúp Ukraine thọc sâu vào trận địa của Nga ở miền đông Ukraine và nhanh chóng thay đổi cục diện chiến sự.

Phương tiện bay không người lái (UAV) Switchblade và Phoenix Ghost

. Hai loại UAV đáng chú ý nhất mà Mỹ đã gửi cho Ukraine là UAV Switchblade và UAV “Bóng ma phượng hoàng” Phoenix Ghost.

UAV Switchblade hay còn gọi là UAV “Kamikaze”. Nó có 2 phiên bản là Switchblade 600 và Switchblade 300 - là loại mà Mỹ đã gửi cho Ukraine.

Nhà thầu quốc phòng Mỹ AeroVironment cho biết loại Switchblade 300 nặng 2,5 kg, có thể bỏ vừa balo của lính. UAV này có trang bị camera, hệ thống dẫn đường và chất nổ để bổ nhào vào mục tiêu và phá hủy chúng. Nó có thể bay với tốc độ là 100 km/giờ, thời gian bay tối đa là 15 phút và nhắm mục tiêu cách 10 km.

Hình thiết kế đồ họa của UAV Switchblade. Ảnh: AERO VIRONMENT

Hình thiết kế đồ họa của UAV Switchblade. Ảnh: AERO VIRONMENT

Còn UAV Switchblade 600 mà Mỹ hứa sẽ gửi cho Ukraine thì có kích thước lớn hơn và nặng hơn Switchblade 300. UAV này có thể nhắm mục tiêu cách 40 km, thời gian hoạt động là 40 phút và nặng 23 kg. Khác với UAV Switchblade 300 nhắm mục tiêu đến các phương tiện hạng nhẹ, loại UAV này có thể nhắm tới các mục tiêu bọc thép như xe tăng.

UAV Switchblade có thể rút lui hoặc hủy bỏ nhiệm vụ bất cứ lúc nào và sau đó chuyển đến mục tiêu khác tùy thuộc vào lệnh của người điều khiển. Đặc biệt là UAV này rất cơ động, có thể phóng từ ống phóng cầm tay nhỏ gọn và có thể được triển khai ở bất kỳ vị trí nào mà không cần chuẩn bị trước.

. Về UAV Bóng ma phượng hoàng” Phoenix Ghost, đây là UAV tân tiến của Mỹ chưa từng được “trình làng” cho đến khi chiến sự Ukraine xảy ra. Loại vũ khí này do nhà thầu quốc phòng Mỹ AEVEX Aerospace sản xuất.

Mẫu UAV "Bóng ma phượng hoàng" Phoenix Ghost. Ảnh: Ảnh: AERO VIRONMENT

Mẫu UAV "Bóng ma phượng hoàng" Phoenix Ghost. Ảnh: Ảnh: AERO VIRONMENT

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, UAV Phoenix Ghost tương tự như các UAV “tự sát” Switchblade đã được chuyển giao cho Ukraine nhưng dĩ nhiên vẫn có một số sự khác biệt. Ông Kirby cho biết phạm vi và khả năng của Phoenix Ghost có khác nhưng ông không cung cấp chi tiết về những điều này.

Ông cũng nói thêm rằng vì UAV này đặc biệt phù hợp với cuộc chiến ở miền đông Ukraine, trên địa hình bằng phẳng và thoáng như ở Donbass.

Pháo xe kéo M777

Úc, Canada và Mỹ đã gửi hơn 100 khẩu pháo M777 cỡ nòng 155 mm. Loại pháo này nặng 3.175 kg, có chiều dài là 10,7 m khi tác chiến.

Pháo có tầm bắn là 24 km với đạn thường, 30 km với đạn tăng tầm (EFRB) và 40 km với đạn dẫn đường bằng GPS M982 Excalibur. Tầm bắn thông thường của M777 tương đương với lựu pháo Giatsint-B của Nga và xa hơn nhiều so với pháo kéo D-30 của Nga.

Pháo xe kéo M777 của Mỹ. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Pháo xe kéo M777 của Mỹ. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

M777 có thể bắn 5 phát/phút trong điều kiện khai hỏa cường độ cao và thông thường là bắn 2 phát/phút.

M777 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tương tự như hệ thống điều khiển của pháo tự hành M109 Paladin để cung cấp khả năng điều hướng, tự định vị, cho phép nó hoạt động nhanh hơn so với các loại pháo kéo ra đời trước đó.

Tên lửa đất đối không Stinger

Ngay từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, những lô vũ khí đầu tiên mà Mỹ và đồng minh gửi cho Ukraine chính là tên lửa Stinger.

Stinger là một hệ thống tên lửa phòng không vác vai hạng nhẹ do tập đoàn quốc phòng Mỹ General Dynamics thiết kế. Tên lửa này sẽ giúp lực lượng trên mặt đất đối phó với máy bay và trực thăng bay ở tầm thấp khi các phương tiện bay này có kế hoạch tấn công bằng bom, súng máy, tiếp tế, do thám,..

Hệ thống tên lửa FIM-92 Stinger. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ
Hệ thống tên lửa FIM-92 Stinger. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Tên lửa Stinger có thể bắn trúng mục tiêu bay cao tới 3.500 m và có tầm bắn khoảng 8 km. Tên lửa này bay với tốc độ là khoảng 2.400 km/giờ, tương đương với Mach 2 (680 m/giây). March là đơn vị đo tốc độ dựa trên tốc độ âm thanh. Tổng cộng trọng lượng của bệ phóng và tên lửa nặng là khoảng 15 kg, trong đó tên lửa nặng 10 kg.

Loại vũ khí này sử dụng cảm biến để dò tìm mục tiêu một cách thụ động bằng tia hồng ngoại. Dò tìm thụ động tức là nó theo dõi hồng ngoại (nhiệt) do động cơ của máy bay mục tiêu phát ra chứ nó không tự phát ra sóng điện từ để tìm thấy mục tiêu như các tên lửa dẫn đường bằng radar.

Độ chính xác của tên lửa này rất cao. Theo trang Military Today, năm 1986, lính Afghanistan bắt đầu dùng Stinger trong cuộc đối đầu với Liên Xô tại Afghanistan. Mặc dù lính Afghanistan được huấn luyện dùng vũ khí này rất sơ sài nhưng đạt thành công là 80% tổng số lần khai hỏa và hạ được khoảng 250 máy bay Liên Xô.

Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000

Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 là vũ khí hạng nặng đầu tiên được Đức gửi cho Ukraine. Đây được coi là một trong những hệ thống pháo binh thông thường mạnh nhất của Đức, theo tờ DW.

Pháo này có tầm bắn là 30 km với đạn HE-FRAG tiêu chuẩn, 40 km với đạn có hệ thống tăng tầm. Loại pháo này có độ chính xác cao vì có thể bắn vào các tọa độ đã cho ngay lập tức mà không cần điều chỉnh vị trí nòng, trong khi một số loại pháo sau khi bắn xong phát thứ nhất thì phải chỉnh lại nòng.

Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. Ảnh: WIKIPEDIA

Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. Ảnh: WIKIPEDIA

Ở chế độ bắn liên tục, nó có thể bắn 3 phát trong 9 giây, 10 phát trong 56 giây và có khả năng bắn các quả đạn theo góc phóng, hướng khác nhau nhưng cùng trúng mục tiêu. Hai người vận hành có thể nạp 60 quả đạn pháo trong vòng chưa đầy 12 phút.

Vũ khí thứ cấp được trang bị bao gồm một súng máy 7,62 mm gắn trên nóc pháo. Bọc giáp ở phía trước của Panzerhaubitze 2000 cản được hỏa lực vũ khí hạng nhẹ và các mảnh đạn pháo. Pháo còn được trang bị hệ thống dập lửa tự động và hệ thống bảo vệ trước các mối nguy phóng xạ, sinh học và hóa học.

Tên lửa chống tăng Javelin và NLAW

. Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng vác vai của Mỹ, có chiều dài 1,2 m, nặng 22,1 kg. Nó được thiết kế để phá hủy mục tiêu là xe bọc thép hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực, hoặc nhắm vào các mục tiêu khác như công sự và trực thăng. Javelin có tầm bắn trung bình là 2,5 km, đạn bay với tốc độ là 140 m/giây với độ cao cực đại là 150 m, theo trang Missile Threat.

Lính Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin hồi năm 2021. Ảnh: GETTY IMAGES

Lính Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin hồi năm 2021. Ảnh: GETTY IMAGES

Javelin sử dụng hệ thống dẫn đường tự động bằng hồng ngoại, có nghĩa là người điều khiển có thể bắn và nhanh chóng di chuyển đến chỗ khác để ẩn nấp, hay nạp đạn lại mà không cần phải đứng theo dõi cho đến khi nó phá hủy mục tiêu như tên lửa tiền nhiệm M47 Dragon yêu cầu.

. Còn tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW mà Anh gửi Ukraine cũng có uy lực không kém. Với trọng lượng là 12,5 kg và rất dễ sử dụng, NLAW có thể được triển khai trong vòng 5 giây.

Tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW. Ảnh: 19FOURTYFIVE

Tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW. Ảnh: 19FOURTYFIVE

Vũ khí này có tầm bắn cực đại là 800 m và được trang bị đầu đạn chống tăng nổ cao (HEAT) 150 mm cực mạnh được thiết kế để hạ gục xe tăng chiến đấu chủ lực ở cự ly ngắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm