Bài học thấm thía từ án oan - Bài 4: “Biến” chuyện kinh doanh thành hình sự

Năm 1995-1996, VKSND tỉnh Thái Bình đã kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Công ty TNHH Khai thác Chế biến Nông hải sản Xuất khẩu Hòa Bình (Công ty Hòa Bình). Cho rằng giám đốc Lương Ngọc Phi đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 4,6 tỉ đồng và trốn thuế gần 490 triệu đồng, Phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế đề xuất với viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, giao công an tỉnh điều tra làm rõ.

Chưa trả được nợ là bắt?!

Theo VKS tỉnh, ông Phi đã làm thủ tục vay tổng cộng hơn 18 tỉ đồng của Ngân hàng Công thương tỉnh Thái Bình để kinh doanh. Đến cuối tháng 9-1996, Công ty Hòa Bình đã trả nợ ngân hàng được hơn 12 tỉ đồng, còn nợ lại hơn 5,5 tỉ đồng.

Vì số nợ này, theo yêu cầu của VKS tỉnh, năm 1998, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố ông Phi về hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và trốn thuế. Ông Phi bị bắt giam, toàn bộ tài sản bị phát mại. Tháng 4-1999, VKSND tỉnh Thái Bình ra cáo trạng truy tố ông về hai tội trên.

Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã phạt ông Phi 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, ba năm tù về tội trốn thuế. Ông Phi kháng cáo kêu oan. Tháng 4-2000, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm tuyên bố ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, đồng thời hủy bản án sơ thẩm về tội trốn thuế để điều tra lại.

Ông Lương Ngọc Phi, nhân vật chính trong vụ án oan ở tỉnh Thái Bình. Ảnh: VH

Năm 2001, VKS tỉnh có cáo trạng mới truy tố ông Phi về tội trốn thuế với số tiền hơn 500 triệu đồng. Sau hai lần bị tòa trả hồ sơ yêu cầu trưng cầu giám định tài chính, tháng 8-2003, VKS tỉnh ra cáo trạng mới truy tố ông Phi về hành vi trốn thuế với số tiền chỉ còn hơn 116 triệu đồng.

Tòa tiếp tục trả hồ sơ vì ông Phi chưa được tống đạt kết luận điều tra bổ sung và cáo trạng. Tháng 10-2003, Công an tỉnh Thái Bình có văn bản đề nghị và hai tháng sau VKS tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phi theo Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự với lý do hành vi trốn thuế của ông Phi không còn nguy hiểm cho xã hội).

Tháng 4-2004, ông Phi đã gửi đơn đến TAND tỉnh Thái Bình yêu cầu bồi thường oan hơn 18,5 tỉ đồng. Các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình từ chối vì cho rằng ông Phi không thuộc trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết 388. Tuy nhiên, vào năm 2005, liên ngành tố tụng trung ương và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã kết luận ông Phi thuộc trường hợp được bồi thường oan và xác định TAND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm bồi thường. Tháng 8-2005, TAND TP Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh phải bồi thường oan cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng.

Cơ quan nào cũng có sai lầm

Từ vụ án oan này, Tòa Hình sự TAND Tối cao đã chỉ ra nhiều bài học để rút kinh nghiệm.

Trước hết là về phía cơ quan điều tra, sau khi nhận được yêu cầu khởi tố vụ án của VKS tỉnh thì không kiểm tra, xác minh mà vội vàng khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trong khi báo cáo của VKSND thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình) xác định vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, phải kiểm tra, xác minh kỹ mới có thể kết luận có hay không hành vi phạm tội. Vì quá ỷ lại, quá tin vào VKS tỉnh nên cơ quan điều tra đã vội vàng khi xử lý án, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến làm oan người vô tội.

Tiếp đó, việc cơ quan điều tra tạm giam ông Phi để rồi phải tự “mò mẫm” điều tra là sai lầm bởi đã tự mình vô hiệu hóa các hoạt động chứng minh. Hệ quả là việc xác định khoản tiền bị chiếm đoạt không nhất quán, nhiều khoản chi tiêu không chứng minh được đã sử dụng vào việc gì. Nếu ông Phi không bị tạm giam, việc đối chiếu công nợ, các khoản tiền lãi, lãi chậm trả, tiền bị người khác chiếm đoạt, tiền bị thua lỗ trong kinh doanh sẽ được ông Phi lý giải cụ thể.

Đây không phải là trường hợp duy nhất cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế theo kiểu cứ lấy tổng số tiền nợ trừ đi số tiền đã trả còn lại bao nhiêu để xác định chiếm đoạt. Cách xác định này không chuẩn xác nhưng vì bị can bị tạm giam nên không có điều kiện chứng minh. Do ông Phi bị tạm giam nên mọi hoạt động của Công ty Hòa Bình bị ngưng trệ, thiệt hại từ đó lại phát sinh rồi buộc ông Phi phải chịu trách nhiệm hết.

Theo Tòa Hình sự TAND Tối cao, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã vi phạm nhiều quy định của BLTTHS, đưa ra những kết luận mang tính chủ quan, không khoa học, không có căn cứ pháp lý.

Về phía VKS, có nhận thấy kết luận điều tra còn nhiều thiếu sót nên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau khi kết quả điều tra bổ sung không chứng minh được hành vi phạm tội, VKS vẫn ra cáo trạng truy tố. Do không phân biệt được giữa hành vi phạm tội với hành vi không phải là tội phạm, giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm dân sự - kinh tế nên VKS đã đồng ý với đề xuất của cơ quan điều tra, phê chuẩn các lệnh và các quyết định khác.

Về phía tòa, dù cơ quan điều tra, VKS có sai lầm thế nào đi nữa mà tòa kết án oan thì tòa phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vụ án. Hồ sơ vụ án thể hiện ông Phi không trốn tránh trách nhiệm trả nợ, có đơn xin gia hạn trả nợ được ngân hàng và UBND tỉnh đồng ý. Ông Phi sử dụng toàn bộ số tiền vay vào kinh doanh, không sử dụng cho cá nhân, gia đình. Ngoài ra, ý thức không chiếm đoạt còn thể hiện ở chỗ ông Phi đã huy động một số vốn rất lớn từ các thành viên trong công ty và thế chấp cả ngôi nhà đang ở để lấy vốn tiếp tục thực hiện một hợp đồng với đối tác nước ngoài. Như vậy việc ông Phi chưa trả được nợ là do nguyên nhân khách quan, có thật và chính đáng. Hành vi của ông Phi không cấu thành tội phạm, số tiền còn nợ ngân hàng là trách nhiệm dân sự mà ông Phi và Công ty Hòa Bình có nghĩa vụ phải trả. Tòa cấp sơ thẩm kết án ông Phi là hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.

Tự mãn với kiến thức đã học

Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án đã làm không hết trách nhiệm, không làm đúng, làm đủ các thao tác nghiệp vụ mà quy chế nghiệp vụ đã quy định dẫn đến chưa đào sâu suy nghĩ, chưa nâng cao trách nhiệm của mình với công việc được giao, đôi khi chỉ dựa vào kinh nghiệm để đề xuất, báo cáo. Từ đó tự mãn không chịu nghiên cứu, học tập để nâng cao nhận thức cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên không nắm chắc, không phát hiện được những thiếu sót, mâu thuẫn của công tác điều tra cũng như các tài liệu, chứng cứ của vụ án nên đã đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự người vô tội. Bên cạnh đó lại có tình trạng thỏa mãn với kiến thức mình đã học, không chịu tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm từ thực tiễn nên dẫn đến sai lầm, khi có ý kiến, quan điểm trái ngược thì kiên quyết bảo thủ với quan điểm của mình.

(Rút kinh nghiệm của VKSND tỉnh Thái Bình)

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới