Bàn chuyện chống bức cung, nhục hình

Trong phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nội dung chính sẽ là việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.

19 cán bộ, điều tra viên bị khởi tố vì dùng nhục hình

Theo báo cáo của Bộ Công an, theo số liệu thống kê từ ngày 1-1-2011 đến 31-12-2013, đã có 192 trường hợp cán bộ cơ quan điều tra các cấp vi phạm pháp luật, trong đó 107 trường hợp bị khởi tố, điều tra. VKSND Tối cao đã khởi tố 26 vụ án/40 bị can về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 19 bị can nguyên là cán bộ, điều tra viên bị khởi tố, điều tra về tội dùng nhục hình.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hình sự nhận xét thực tiễn số vụ việc có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố điều tra. Nhận định này không phải không có cơ sở khi tại nhiều phiên tòa, các bị cáo khai do bị bức cung, dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra nên khai không đúng sự thật và khai lại với nội dung khác. Nhưng lời khai về bức cung, nhục hình khó được tòa chấp nhận vì không có chứng cứ để chứng minh.

Thực tiễn cho thấy việc tố giác về bức cung, dùng nhục hình của người bị tạm giữ, tạm giam khó thực hiện; việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bức cung, dùng nhục hình còn hạn chế; hoạt động điều tra thu nhập, đánh giá chứng cứ, chứng minh tội phạm, người thực hiện tội phạm trong các vụ việc bức cung, dùng nhục hình gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra trong địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín, ít có nhân chứng…

Năm cán bộ công an Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình đối với  nạn nhân Ngô Thanh Kiều ra hầu tòa. Ảnh: CTV

Ghi hình buổi hỏi cung, có luật sư giám sát

Trong quá trình tìm hiểu tình hình chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách, Ủy ban Tư pháp đã nhận được nhiều góp ý, kiến nghị để hạn chế tối đa tình trạng này.

Chẳng hạn, cần sửa đổi toàn diện BLTTHS và xây dựng một số luật liên quan đến công tác điều tra án hình sự như luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, luật tạm giữ, tạm giam… Trong đó, BLTTHS cần sửa đổi, bổ sung để quy định rõ quy trình thu thập, bảo quản chứng cứ điện tử; quy định rõ “các biện pháp nghiệp vụ” mà cơ quan điều tra được thực hiện để đấu tranh thu thập chứng cứ, tránh việc áp dụng tùy tiện. BLTTHS cũng cần được sửa đổi theo hướng bảo đảm hơn nữa quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam; tạo điều kiện cho người bào chữa được tham gia sớm nhất để giám sát hoạt động thu thập chứng cứ (được tham gia ngay khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và họ chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng).

Mặt khác, quy định rộng rãi hơn cho người có quyền thu thập chứng cứ, mở rộng phạm vi sử dụng các biện pháp chứng minh và nguồn chứng cứ, tiến tới thay vì biện pháp chứng minh bằng lời khai như hiện nay thì chứng minh bằng dấu vết, vật chứng, theo đó hạn chế xảy ra các hành vi bức cung, dùng nhục hình.

Song song đó, việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung người bị tạm giam phải được ghi hình; người có thẩm quyền giám sát phải xem xét băng hình trong những trường hợp nhất định. Trong trường hợp bị cáo khai tại phiên tòa bị bức cung, dùng nhục hình thì tòa án có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp tài liệu để xác minh.

Ngoài ra, cũng cần tạo cơ chế kiểm soát mang tính độc lập, chặt chẽ giữa ban giám thị, cán bộ trại tạm giam với các điều tra viên. Theo đó, trại tạm giam chịu trách nhiệm quản lý bị can, bị cáo về sức khỏe, tinh thần; phải kiểm tra chặt chẽ bị can, bị cáo trước khi trích xuất cho điều tra viên hỏi cung; giám sát quá trình hỏi cung theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; kiểm tra thực tế khi nhận lại bị can, bị cáo...

ĐỨC MINH

Những vụ điều tra viên bị khởi tố

- Khởi tố ba cán bộ công an thị trấn Ngã Năm (Sóc Trăng) dùng nhục hình với nạn nhân Trần Văn Dữ.

- Khởi tố hai điều tra viên cơ quan điều tra Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) dùng nhục hình đối với nạn nhân Trần Thị Lan.

- Khởi tố một cán bộ Công an TP Nha Trang dùng nhục hình đối với nạn nhân Nguyễn Trường Vũ và Trương Chí Bình.

- Khởi tố bốn cán bộ Công an trại giam Đắc Trung (Đắk Lắk) dùng nhục hình đối với phạm nhân Trương Thanh Tuấn.

- Khởi tố năm cán bộ Công an Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình đối với nạn nhân Ngô Thanh Kiều…

Một số giải pháp

- Tăng cường, phát huy cơ chế giám sát của VKS đối với hoạt động điều tra, đặc biệt là việc bắt, giam giữ, tạm giam; việc ghi lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị, xã hội, nhân dân.

- Xây dựng cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa, luật sư tham gia ngay từ đầu khi điều tra viên làm việc với người bị tạm giữ, bị can thực sự vô tư, khách quan.

- Phân định rõ trách nhiệm giữa điều tra viên, cơ quan điều tra với quản giáo, trại tạm giam, tạm giữ trong việc người bị giam, giữ bị dùng nhục hình.

- Trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại, lắp đặt hệ thống camera và ghi âm tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam để giám sát hoạt động lấy lời khai người bị tạm giữ, tạm giam để phòng ngừa, ngăn chặn việc bức cung, nhục hình.

- Chủ trọng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm điều tra viên…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới