Vụ án bảy bị can bị oan: Nhận tội vì khiếp sợ nhục hình

Ngày 5-7-2013, tại xã Đại Ân II, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) xảy ra án mạng, nạn nhân là anh Lý Văn Dũng, hành nghề chạy xe ôm ở địa phương, bị đâm chết. Sau đó, bảy thanh niên ở địa phương lần lượt bị bắt để điều tra về tội giết người.

Quá trình điều tra, các bị can này nhận tội nhưng khi gần có kết luận điều tra thì có hai cô gái ra tự thú chính họ là hung thủ. Sau đó, bảy thanh niên được đình chỉ điều tra do không liên quan đến vụ án. Mới đây nhất, ngày 8-8, hai điều tra viên từng làm cho bảy thanh niên nhận tội (dù không gây án) bị khởi tố về tội dùng nhục hình (một người bị tạm giam), một kiểm sát viên bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm…

Thạch Sô Phách là một trong bảy thanh niên bị bắt oan nói trên. Anh chàng này đến giờ vẫn ám ảnh trò “đông lạnh cho chim” mà anh từng nếm trải khi bị bức cung, nhục hình. Chính những trò nhục hình ấy đã khiến bảy người vô can đã phải nhận tội theo “kịch bản” của các điều tra viên.

Thạch Sô Phách diễn tả lại cảnh bị treo lên trong tư thế buộc phải đứng bằng hai ngón chân cái. Sau bảy tháng trở về, Sô Phách đã mất vợ vì chị ấy nghĩ rằng chồng giết người, không còn cơ hội trở về với cuộc sống. Ảnh: TRẦN VŨ

Từ tư thế hiên ngang vì không gây án…

Sau bảy tháng bị tạm giam để điều tra, Sô Phách trở về nhà (ấp Lâm Vồ, xã Đại Ân II, huyện Trần Đề) cùng một “bộ vó” của tay anh chị giang hồ. Toàn thân anh chi chít hình xăm, mặt có nhiều vết sẹo. Đó là kết quả của những ngày tháng đối mặt với nhục hình trong trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng. “Không làm gì cả nhưng tất cả chúng tôi, bảy đứa đều nhận tội giết người. Biết nhận tội giết người là chết, là bị tử hình nhưng chúng tôi không đứa nào chịu nổi đòn tra tấn của các anh điều tra. Anh Hưng là ghê nhất” - Sô Phách bắt đầu câu chuyện.

Bi kịch bắt đầu đến với Phách vào chiều 6-7-2013 khi các công an xã đến hỏi thăm anh: “Có nghe tin anh Dũng xe ôm bị giết không?” và “Đêm qua làm gì, ở đâu?”. Phách nói rõ đêm qua nhậu ở nhà với cha ruột, anh ruột và bảy người khác là hàng xóm như anh Liêm, anh Than, anh Định, Khâu Sóc, anh Dương… Nhậu đến khoảng 8 giờ tối, say rồi ngủ tại nhà với con trai và vợ.

Thế nhưng bảy ngày sau, ngày 14-7-2013, anh bị dẫn giải lên công an huyện trong tư cách của kẻ bị tình nghi giết người. Do không làm, Sô Phách rất hiên ngang và tự tin. Thế nhưng anh chỉ giữ được phong thái ấy trong vài giờ khai cuộc. Anh kể: “Mới vô, cán bộ nói tôi giành gái gú nên đánh anh Dũng xe ôm chết. Tôi nói tôi có quen ai đâu mà gái gú. Cán bộ nói đàn ông ai mà không gái gú, hồi đó tao cũng giành gái đánh lộn hoài. Tôi nói chú đánh thì chú đánh chứ tôi không có gái gú, không có giành gái gú đánh lộn…”. Đến giai đoạn bị “bợp tai” vào đầu, bị đập ma trắc vào lưng bình bịch, Sô Phách vẫn hiên ngang: “Tôi không làm, chú đánh tôi đến chết cũng vậy thôi!”.

Đến sự gục ngã trước trò “đông lạnh cho chim”

Và Thạch Sô Phách không phải chờ lâu, ngay sau đấy anh lần lượt nếm trải những kiểu nhục hình mà thậm chí anh chưa từng nghe kể.

Theo Sô Phách, kiểu đơn giản là “bợp tai” vào phía sau gáy, nắm tóc kéo đầu giằng xuống bàn, đập ma trắc vào lưng, vào đầu. Kiểu đáng sợ là treo tay nghi phạm lên cửa sổ trong tư thế đứng không được, treo không xong. Kinh khủng nhất là trò dùng nước đá ướp vô bộ phận sinh dục.

Sô Phách kể: “Hai tay bị treo cao bằng còng số tám. Cái độ cao đủ để mình đứng nhón bằng hai ngón chân cái. Nhón lâu thì mỏi nhưng không cố nhón thì hai tay bị còng siết đau điếng. Cái đó còn đỡ, đến trò “đông lạnh cho chim” của ông Hưng thì không ai chịu nổi, chết còn khỏe hơn. Ông lấy nước đá bỏ vào bọc nylon rồi đem nó ướm vào bộ phận đàn ông của tôi. Mới thì lạnh, tê dần, rồi đau nhức không sao tả được. Thiệt, chết còn sướng hơn!”.

Và sau nhiều bận bị treo, bị ướm đá, bị ăn gậy nhừ tử (theo Phách có những ngày anh bị đánh đến gần 200 gậy), Sô Phách quyết định chọn phương án nhận tội để “có chết cũng còn sướng hơn bị nhục hình”.

Hậu dùng nhục hình là “kịch bản phạm tội”

Chuyện kể của Thạch Sô Phách lý giải vì sao cả bảy người vô tội phải nhận giết người. Tất nhiên, Sô Phách không thể tự mình vẽ rồng vẽ rắn về diễn biến sự việc phạm tội khi anh không phải là tác giả. Với trình độ “chỉ biết viết tên mình”, anh cũng không đủ khả năng tưởng tượng ra một “kịch bản phạm tội” hoàn hảo. Anh chỉ có thể khai theo “kịch bản” của người khác.

Trên cơ sở “kịch bản” có sẵn, anh khai: Tối 5-7-2013, anh đi uống cà phê với Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc. Đến khoảng 22 giờ, Hol rủ cả nhóm về nhà mình nhậu. Trên đường đi, khi đến ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân II, Hol và nhóm bạn chặn đường đánh anh Lý Văn Dũng (ở thị trấn Trần Đề) với lý do giành gái. Sô Phách không biết trước nhưng vẫn phải tiếp tay với bạn, anh chạy quanh tìm gậy nhưng chưa có thì nhóm Hol và các bạn mình đã hạ gục anh Dũng xe ôm. Sau đó, cả nhóm đi tìm quán nhậu nhưng không có nên đi ăn bún rồi ai về nhà nấy. Mấy hôm sau, khi thông tin về cái chết của anh Dũng bùng nổ khắp làng quê, Sô Phách ra đầu thú với công an…

Sô Phách khai thêm chính anh đã chứng kiến Hol dùng cây kéo đâm chết anh Dũng, các đối tượng khác như Trần Cua, Trần Văn Đỡ… dùng gậy gộc, tay chân đánh anh Dũng đến gục xuống đường…

Cũng như Sô Phách, anh Trần Cua, Trần Hol, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Nguyễn Thị Bé Diễm đều thừa nhận hành vi giết anh Dũng một cách logic với hiện trường vụ án. Dĩ nhiên, những tang vật thu được như đoạn cây, kéo… được họ thừa nhận đã dùng nó để gây án…

Khủng khiếp hơn, người ta đã khiến cho Diễm chẳng những thừa nhận hành vi che giấu tội phạm của mình mà còn trực tiếp chỉ tay vào mặt chồng sắp cưới (anh Trần Văn Đỡ) xác nhận chính Đỡ là người cầm kéo đâm vào nạn nhân!

TRẦN VŨ

Hai điều tra viên bị khởi tố tội dùng nhục hình

Truy tố hai công an đánh chết nghi phạm

- Ngày 5-7-2013, anh Lý Văn Dũng chạy xe ôm chở hai cô gái (sau này xác định là Lê Thị Mỹ Duyên và Phan Thị Kim Xuyến) đi làm như thường lệ. Khi đến đoạn đường vắng, Duyên và Xuyến đã rút dao thủ sẵn trong người ra sát hại anh Dũng với ý định cướp xe. Anh Dũng bị trọng thương nhưng vẫn ráng sức bỏ chạy kêu cứu rồi gục chết bên vệ đường thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân II, huyện Trần Đề, Sóc Trăng (cách nơi bị đâm khoảng 200 m). Nghe nạn nhân kêu cứu to quá, Duyên và Xuyến hoảng sợ, bỏ ý định cướp xe và tẩu thoát lên TP.HCM.

Sau đó, công an đã khởi tố bị can và bắt giam bảy thanh niên như đã nói trong bài. Sau gần bảy tháng điều tra, khi sắp có kết luận điều tra (có thông tin nói rằng lúc này ban chuyên án còn đang được đề nghị khen thưởng) thì Xuyến và Duyên ra đầu thú. Với lời khai và chứng cứ phù hợp của Duyên và Xuyến, Công an tỉnh Sóc Trăng đã trả tự do cho bảy thanh niên và đình chỉ điều tra họ.

Sau đó, các thanh niên này tố cáo mình bị dùng nhục hình.

Mới đây nhất, ngày 8-8, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam (bốn tháng) Đại úy Triệu Tuấn Hưng, điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng, về tội dùng nhục hình. Cùng khởi tố tội này nhưng Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (điều tra viên công an tỉnh này) được cho tại ngoại. Liên quan vụ này, kiểm sát viên Phạm Văn Núi (VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố (cho tại ngoại) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

TRẦN VŨ

VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố hai bị can Huỳnh Ngọc Tòng, nguyên đội phó đội điều tra và Phạm Xuân Bình, nguyên cán bộ đội điều tra (Công an TP Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp), về tội dùng nhục hình theo khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự. Hai người này có liên quan tới việc một nghi can bị chết trong nhà tạm giữ với nhiều vết thương trên người.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm