Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Bà Lê Thị Nga (ảnh) cho biết: Những năm gần đây, các vụ việc có dấu hiệu bức cung, nhục hình trong hoạt động tư pháp được người dân phản ánh khá nhiều. Sau mỗi vụ, cơ quan chức năng đều kiểm tra, xử lý. Có những vụ kết luận rõ như vụ năm công an đánh chết nghi can ở Phú Yên nhưng có vụ phải tới khi phát hiện án oan thì mới lộ ra như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Có vụ kết luận không phải nhục hình, không phải do công an đánh nhưng gia đình người tố cáo và dư luận chưa đồng tình. Đây thực sự là vấn đề bức xúc mà Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm; các đại biểu Quốc hội, cử tri cũng đã nhiều lần phải lên tiếng...
Do thiếu tuân thủ pháp luật
. Phóng viên: Thưa bà, nhiều năm làm công tác giám sát hoạt động tư pháp, theo bà để vấn đề này gây bức xúc như vậy là do pháp luật chưa chặt hay tại thực thi?
. Giai đoạn nào dễ xảy ra bức cung, nhục hình nhất, thưa bà?
+ Dù bức cung, ép cung, mớm cung có thể xảy ra ở tất cả giai đoạn tố tụng, kể cả tại phiên tòa xét xử công khai nhưng những vụ việc mà báo chí đề cập tới, người dân khiếu nại chủ yếu liên quan đến giai đoạn điều tra, thậm chí là ở giai đoạn tiền tố tụng - giai đoạn xác minh tin báo, tố giác tội phạm, khi công dân bị triệu tập lên trụ sở công an xã, phường. Những vụ như vậy có thể có cả bức cung lẫn nhục hình. Việc Chủ tịch nước nhấn mạnh tại buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chứng tỏ điều đó.
Phiên xử phúc thẩm vụ năm công an dùng nhục hình gây chết người ở Phú Yên ngày 8-7-2014. Ảnh: XT
Tách cơ quan quản lý giam giữ, lắp camera
. Thưa bà, để hoạt động điều tra minh bạch, được kiểm soát tốt hơn thì cần phải làm gì?
+ Qua giám sát, chúng tôi thấy phó trưởng công an cấp huyện phụ trách công tác điều tra thường đồng thời là trưởng nhà tạm giữ. Đây là một cách tổ chức bất hợp lý bởi thiếu sự giám sát của bên thứ ba thì khó mà bảo vệ tốt quyền của người bị giam giữ được. Thêm nữa, đối với những trường hợp chết trong nhà tạm giữ, chết tại trụ sở công an cấp xã mà lại do giám định pháp y của chính công an địa phương đó thực hiện thì dư luận càng đặt dấu hỏi vì sự khép kín trong cùng một cơ quan công an địa phương.
Hiện các luật về tạm giữ, tạm giam đang được nghiên cứu soạn thảo. Tôi cho rằng nên nghiên cứu tách cơ quan quản lý giam giữ độc lập hoàn toàn với cơ quan điều tra (CQĐT). Họ phải có trách nhiệm giám sát điều tra viên (ĐTV) trong việc tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra đối với người bị giam giữ, tạm giam. Nếu xảy ra bức cung, nhục hình thì chính chủ thể có trách nhiệm quản lý giam giữ phải chịu trách nhiệm trước hết.
. Phát biểu trước Quốc hội, bà từng đề nghị lắp camera ở tất cả phòng hỏi cung. Đến nay đề xuất này có tiến triển gì không?
+ Đề xuất này thật ra đã được giới chuyên gia nêu lên từ lâu rồi. Qua các cuộc chất vấn, giải trình tại Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao rất quyết tâm khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình. Giải pháp lắp camera đang được nghiên cứu, cân nhắc. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn là sẽ tốn kém ngân sách.
Theo tôi, đây là khoản cần ưu tiên để đầu tư vì trong các quyền con người thì quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe là quan trọng nhất. Bảo vệ các quyền này cũng là bảo vệ nền công lý của một quốc gia. Nhưng tôi phải nhấn mạnh giải pháp camera chỉ hiệu quả nếu cơ quan quản lý giam giữ, quản lý hệ thống camera cùng dữ liệu độc lập với CQĐT. Cần phải coi việc thiết lập, quản lý hệ thống camera cùng dữ liệu như một biện pháp kỹ thuật để giám sát, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động hỏi cung. Đây vừa là biện pháp thiết thực chống bức cung, nhục hình vừa là chứng cứ xác thực để phân xử khi có khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường vai trò giám sát của VKS
. Kết quả xử lý những vụ bức cung, nhục hình vừa qua cho thấy kiểm sát viên gần như ngoài vòng trách nhiệm, thưa bà?
+ Theo quy định, VKS có trách nhiệm kiểm sát hoạt động điều tra nên VKS cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra bức cung, nhục hình. Nhưng thực tế, luật hiện hành không bắt buộc VKS phải tham dự tất cả cuộc hỏi cung, đặc biệt ở giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác nên cũng khá khó khăn cho VKS để có thể phát hiện sớm được vi phạm.
Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, các quy định về hoạt động điều tra phải đảm bảo sự minh bạch. Đồng thời phải tăng cường trách nhiệm của VKS. Nhiệm vụ của kiểm sát hoạt động tư pháp là đảm bảo hoạt động điều tra tuân thủ pháp luật. Nhiệm vụ của thực hành công tố trong giai đoạn điều tra là bảo đảm quyền con người, không bỏ lọt, không làm oan. Vậy để xảy ra bức cung, nhục hình thì đương nhiên có trách nhiệm của VKS.
Để trách nhiệm được rõ ràng, chặt chẽ hơn thì trong lần sửa đổi các luật tố tụng, luật tổ chức các cơ quan tư pháp cần rà soát xem còn gì cản trở. Chẳng hạn tới đây nên chăng cho VKS tham gia sâu hơn, thực chất hơn vào giai đoạn tiền tố tụng bằng các hoạt động kiểm sát cụ thể...
Một điều quan trọng nữa là hệ thống trách nhiệm và giám sát nội bộ. Thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của điều tra viên. Ngành công an phải tăng cường thanh tra nội bộ hơn nữa.
. Liệu có giải pháp nào có thể làm ngay để mang lại hiệu quả tích cực, thưa bà?
+ Có. Đầu tiên là chính cơ quan pháp luật phải nghiêm khắc hơn trong việc xử lý ĐTV và các chức danh tư pháp khác có hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình. Ai cũng hiểu những vụ như vậy rất khó chứng minh. Nhưng đã phát hiện rồi mà xử lý không nghiêm thì người dân sẽ ngày càng mất niềm tin vào các cơ quan tư pháp và cũng khó ngăn chặn được những vụ tiếp theo. Dư luận đang so sánh vụ mấy trẻ vị thành niên giật mũ ở Hải Phòng mà xử phạt tù giam, trong khi đó các cán bộ công an đánh chết người ở Phú Yên lại được hưởng án treo. Dư luận cũng chờ đợi xem kết quả việc xử lý các cán bộ cơ quan tư pháp trong việc làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn.
Kế đó là phải đảm bảo cho người bào chữa được tham gia thuận lợi trên thực tế. Tăng cường kiểm sát, tăng cường thanh tra nội bộ ngành.
. Xin cảm ơn bà.
NGHĨA NHÂN thực hiện
Áp lực chứng minh tội phạm Theo bà Nga, trong giai đoạn tiền tố tụng, sự thiếu công khai, minh bạch, thiếu kiểm soát trong hoạt động xử lý tin báo, tố giác của cơ quan có thẩm quyền là nguyên nhân chính dẫn đến bức cung, nhục hình. CQĐT có quyền triệu tập công dân đến trụ sở lấy lời khai để kiểm tra, xác minh, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Giai đoạn này người bào chữa chưa được tham gia. VKS có thẩm quyền kiểm sát việc xử lý tin báo, tố giác nhưng luật chưa quy định cụ thể là kiểm sát bằng trình tự, thủ tục gì nên nhìn chung hiệu quả hoạt động kiểm sát còn rất hạn chế. Thông thường CQĐT và ngay cả những người tiến hành tố tụng ở các giai đoạn sau rất coi trọng khâu tiền tố tụng này. ĐTV luôn đặt nặng yêu cầu phải lấy được những lời khai đầu tiên, có giá trị chứng minh tội phạm, có giá trị buộc tội với nghi can. Có trường hợp ĐTV đã có ý thức chủ quan về việc chính nghi can đã phạm tội, vấn đề chỉ còn là chứng cứ. Áp lực ấy, quán tính ấy, đặt trong không gian thiếu giám sát, kiểm soát nên rất dễ xảy ra nhục hình, bức cung. Còn sau khởi tố mà bức cung, nhục hình vẫn xảy ra là do thiếu công khai, minh bạch, thiếu kiểm tra, giám sát cả trong nội bộ CQĐT lẫn bên ngoài, trong đó có cả việc VKS làm chưa hết trách nhiệm kiểm sát điều tra, người bào chữa chưa được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố. |