Bà Lê Thị Nga tại một phiên thảo luận tại QH. Ảnh: TL
Về vấn đề này, báo cáo của VKSND Tối cao khẳng định: “Các vụ án về dùng nhục hình được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật…”. Báo cáo của Bộ Công an cũng cho biết các trường hợp vi phạm đến mức khởi tố đều được xử lý. Trường hợp chưa đến mức khởi tố thì bị xử lý kỷ luật nghiêm như tước danh hiệu, điều chuyển khỏi cơ quan điều tra, kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, giáng cấp…
Thế nhưng, câu trả lời này chưa làm hài lòng nhiều đại biểu tham dự phiên giải trình. “Đề nghị VKS đánh giá lại xem nhận định đó có đúng không?”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn.
Dẫn chứng vụ dùng nhục hình ở Phú Yên, bà Nga nêu hàng loạt điểm “bất thường”: Bắt người không có lệnh, bắt ban đêm từ 3g15 sáng, không nằm trong những trường hợp được bắt ban đêm mà VKS nói chỉ vi phạm về thủ tục… “Khi xét xử, vụ án này cũng có nhiều dấu hiệu xét xử bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt nhẹ, xác định đồng phạm cũng không chính xác… Chúng tôi chỉ lấy một vụ đủ để thấy rằng việc xử lý này chưa đúng quy định pháp luật, chưa nghiêm minh, có dấu hiệu bỏ lọt người, bỏ lọt tội và có dấu hiệu xử phạt nhẹ…”- bà Nga gay gắt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng nêu câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Tòa án: Báo cáo của tòa cho biết đã xét xử năm vụ với 10 bị cáo về tội dùng nhục hình, trong đó, tòa tuyên phạt năm năm tù giam với một bị cáo, cho hưởng án treo với năm bị cáo và cảnh cáo 4 bị cáo. Với 90% mức phạt là không áp dụng hình phạt tù, như vậy nghiêm khắc chưa?...
Trả lời câu hỏi của ông Hiện, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn chỉ đáp: “Theo báo cáo thì hình phạt đúng là nhẹ, chúng tôi sẽ kiểm tra lại xem tính chất mức độ thế nào. Nhưng trên cơ sở quy định của pháp luật, đến nay các vụ án này đã hết thời hiệu kháng nghị. Các vụ án sau khi xét xử xong vì không có kháng cáo, kháng nghị nên chúng tôi không phát hiện ra vấn đề này…”.