Bàn cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế

Ngày 22-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của bốn tỉnh, thành: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TP

Cơ chế đặc thù gắn với phân cấp, phân quyền chặt chẽ

Theo tờ trình dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị cho Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được thí điểm sáu cơ chế, chính sách đặc thù, riêng Thanh Hóa được áp dụng tám cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách này nếu được QH thông qua sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2022, thời gian thực hiện thí điểm kéo dài năm năm.

Trong các cơ chế này Thừa Thiên-Huế và Nghệ An sẽ được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tỉ lệ này ở Hải Phòng và Thanh Hóa là không vượt quá 60%. Các tỉnh, thành này được tự quyết mức phí, lệ phí chưa được quy định trong luật, hoặc điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí; được tự quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha…

Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết các cơ chế, chính sách được Chính phủ trình QH lần này đã được các địa phương, cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội.

Về phân quyền, phân cấp, quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là chỉ phân quyền, phân cấp một cấp và có kèm theo điều kiện trình tự, thủ tục rất chặt chẽ. Cụ thể, các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng có thể phân cấp cho địa phương; thẩm quyền của Chính phủ có thể phân cấp cho Thủ tướng; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ QH có thể phân cấp cho Chính phủ còn thẩm quyền của QH có thể phân cấp cho Ủy ban Thường vụ QH.

“Không có việc phân cấp, ủy quyền đến 2-3 cấp vì sẽ phá vỡ nguyên tắc ủy quyền và phê chuẩn. Cùng với đó, trình tự, thủ tục phân cấp, ủy quyền, điều kiện phải rất chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch để quản lý được” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Làm điểm để xây dựng chính sách quốc gia

Thảo luận tại tổ, các đại biểu (ĐB) QH lo ngại việc nhiều tỉnh xin cơ chế đặc thù sẽ dẫn đến sự cát cứ của địa phương, làm suy yếu sự điều hành của trung ương…

ĐB Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội), dẫn câu chuyện “loạn 12 sứ quân” xảy ra hơn 1.000 năm trước và cho rằng việc chia quyền, phân quyền cho các địa phương có thể làm suy yếu chính sách quản lý của trung ương. “Giờ thêm bốn địa phương được cơ chế, chính sách đặc thù thì sau này cũng có thể thêm ra các địa phương khác. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét” - ĐB Sơn nói và nhấn mạnh việc các địa phương cát cứ sẽ làm cản trở việc tập trung các nguồn lực để phát triển, xây dựng đất nước.

Trước lo lắng này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới. Nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.

“Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Thí điểm hiệu quả sẽ được tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Chủ tịch QH cũng nhắc lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là cần có chính sách mạnh cho những địa phương có tiềm năng thành đầu tàu, động lực lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước. Với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

Với bốn địa phương trên, Bộ Chính trị đều đã có các nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các dự thảo nghị quyết lần này của QH đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của trung ương về các địa phương này.

Thiếu bóng dáng kinh tế biển

Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH cũng cho rằng cả bốn địa phương đều là tỉnh có biển, tuy nhiên trong các cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh này không thấy bóng dáng kinh tế biển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn khi dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra các cơ chế tương đồng như nhau, không thể hiện riêng đặc thù nào. “Như Hải Phòng và các tỉnh có tiềm năng về kinh tế biển nhưng lại thiếu quy định để phát huy thế mạnh biển. Hay tỉnh Thừa Thiên-Huế có di sản riêng, nếu khai thác tiềm năng đó sẽ hợp lý nhưng dự thảo vẫn mang bóng dáng chung, mà chưa thể hiện đặc thù riêng” - ĐB Mai nói.

ĐB Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT), cũng băn khoăn khi dự thảo còn thiếu bóng dáng kinh tế biển cho bốn tỉnh, thành. Trong khi Hải Phòng có thế mạnh cảng biển, Thừa Thiên-Huế có thế mạnh phát triển du lịch biển, Thanh Hóa và Nghệ An có thế mạnh về công nghiệp ven biển. “Điều này đã được đặt ra trong nghị quyết của trung ương về phát triển kinh tế biển. Dự thảo nghị quyết cần làm rõ hơn nội dung này” - ĐB Thi đề nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết có thể bổ sung trong quá trình thực hiện...•

 

Chủ nghĩa bình quân thì không tốt

Khi áp dụng cơ chế đặc thù, Chính phủ và các bộ, ngành cần có hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy hết tiềm năng của địa phương và có sự giám sát, xác định rõ những điều không được vượt qua, vượt lên.

Chính phủ cần nhanh chóng tổng kết ở những nơi đã áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để rút ra những gì hợp lý để áp dụng chung cho 63 tỉnh, thành về lao động, tổ chức bộ máy hành chính, một số vấn đề về đất đai và tài nguyên, dân cư... Đáng chú ý là TP.HCM và Hà Nội có những đặc thù không thể áp dụng đồng loạt với tất cả tỉnh, thành, sa vào chủ nghĩa bình quân thì không tốt.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới