Sáng 22-10, trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tham gia thảo luận ở tổ về 4 dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các đại biểu Quốc hội TP.HCM tại phiên thảo luận. Ảnh: TÁ LÂM
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội TP.HCM thống nhất với việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bốn địa phương, gồm: TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng trước mắt cho bốn tỉnh này thí điểm, nhưng ông đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần có hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy hết tiềm năng riêng của địa phương mình và có sự giám sát nhằm không để các địa phương này “quá lố không kiềm chế được, dẫn đến vi phạm”.
Ông cũng đề nghị, trong nghị quyết này phải thể hiện được tinh thần: một số cái sẽ cho vượt qua quy định chung nhưng có những điều không được vượt. “Bởi vì tài nguyên quốc gia nằm ở đó, vấn đề giao lưu, an ninh quốc phòng nằm ở đó, nếu đặc thù không xác định rõ những điều không được vượt qua, những điều không được vượt lên thì nguy cơ rất lớn” – ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có tổng kết ở những nơi đã áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để rút ra những gì hợp lý để áp dụng chung cho 63 tỉnh thành về lao động, tổ chức bộ máy hành chính, một số vấn đề về đất đai và tài nguyên, dân cư...
“Nếu được ngay lập tức chúng ta ban hành luật chung, để những địa phương không có cơ chế đặc thù đừng quá bức xúc” – ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, riêng một số cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể đối với Hà Nội, TP.HCM thì không thể áp dụng đồng loạt cho tất cả các tỉnh, thành do đây là những địa phương động lực, đầu tàu cho sự phát triển của cả nước. “Những nơi khác không có đặc thù ấy thì không thể đòi đặc thù ấy” – ông Nghĩa nói và cho rằng làm như vậy để không để lan rộng phong trào khắp nơi xin cơ chế, chính sách đặc thù.
“Ở TP.HCM và Hà Nội có những đặc thù không thể áp dụng đồng loạt với tất cả các tỉnh thành, sa vào chủ nghĩa bình quân thì không tốt” – ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TÁ LÂM
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng TP.HCM và Hà Nội là những đô thị rất đặc biệt nên có các cơ chế đặc thù để phát huy, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Theo ông Ngân, từ khi TP.HCM có Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - đã có tác dụng quan trọng về nhiều lĩnh vực: quản lý đất đai, thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, thu chi ngân sách... TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát để tận dụng lợi thế của nghị quyết này.
Còn về cơ chế đặc thù cho bốn địa phương mà Chính phủ vừa trình, ông Ngân cho rằng chỉ có Hải Phòng là tự chủ tài chính và có tỉ lệ điều tiết về Trung ương. Ba địa phương còn lại, đều chưa tự chủ được nguồn thu ngân sách và ngân sách Trung ương đang phải chuyển hỗ trợ.
Cụ thể, các năm qua tỉnh Thanh Hoá được Trung ương hỗ trợ trên 15.000 tỉ đồng/năm, tỉnh Nghệ An nhận hỗ trợ trên 10.000 tỉ đồng vào năm 2021, Thừa Thiên - Huế được hỗ trợ khoảng 3.200 tỉ đồng/năm.
“Nói như vậy để thấy, các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế chưa tự chủ được tài chính nhưng lại là các địa phương có nhiều tiềm năng” – ông Ngân nói.
Vì thế, ông Ngân cho rằng nếu có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương này vươn lên, tự chủ được tài chính trong thời gian tới thì ngân sách Trung ương sẽ có được nguồn thu để chủ động thực hiện các chính sách vĩ mô cho đất nước.
“Quan điểm của tôi là ủng hộ các cơ chế chính sách đặc thù phát triển bốn địa phương này, trong đó, với Hải Phòng đây là đô thị loại 1 có nhiều lợi thế, phát huy thế mạnh của mình, nhất là có cảng biển. Nguồn thu ngân sách của Hải Phòng thời gian qua liên tục tăng và có đóng góp chung cho ngân sách quốc gia” – ông Ngân nói.
Theo ông Ngân, các cơ chế, chính sách đặc thù của bốn địa phương này nổi lên các nội dung: về quản lý đất đai và quy hoạch, quản lý tài chính, ngân sách, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng như đại biểu Nghĩa, ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, sau khi đã có nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương thì phải có sự giám sát thường xuyên nhằm phát huy cơ chế, chính sách. Đặc biệt, phải quan tâm đến quản lý nợ ở các địa phương.
(PLO)- "Tuần sau một số địa bàn, một số ngành sẽ mở” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay.