Chủ tịch nước: Thích ứng nhưng phải kiểm soát tốt dịch COVID-19

Sáng 21-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022... và một trong những điểm mà các đại biểu tập trung thảo luận là tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết phương thức chống dịch hiện nay đã không còn “Zero COVID” mà chuyển sang thích ứng với COVID-19 bằng những phương thức như như 5K, vaccine, thuốc…

Chủ tịch nước nói không thể chuyển từ "cực tả" sang "cực hữu" trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh: CTV

“Chúng ta không thể bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19. Chúng ta đừng chuyển từ cực tả sang cực hữu vấn đề này dễ dẫn đến hậu quả rất xấu cho đất nước. Nói như vậy để không được chủ quan, không đơn giản hoá, thích ứng nhưng phải có kiểm soát tốt, phải đề cao cảnh giác”- Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nêu ra những ổ dịch mới vừa diễn ra ở một số tỉnh phía Bắc và phía Nam để nhấn mạnh việc không chủ quan, cần đề cao cảnh giác. Đồng thời ông cũng cho rằng không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế xã hội.

Theo Chủ tịch nước, đây mặc dù là yêu cầu rất lớn hiện nay nhưng vẫn phải có tinh thần đề cao cảnh giác. Dịch COVID-19 đang rất đe doạ nước ta và các nước trên thế giới. Do đó, trong thời gian này, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rất nặng nề.

Về kinh tế xã hội, Chủ tịch nước đề nghị dù có khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương nhưng tổng thu ngân sách nhà nước vẫn tốt, nguồn thu ngân sách trung ương vẫn hơn 20.000 tỉ. Nước ta đã xuất một số quỹ để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội.

Chủ tịch nước cũng khẳng định: Tấm lòng của doanh nghiệp, công trạng của nhân dân là vô cùng lớn. Do đó chúng ta phải biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hoá để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh.

“Nhìn chung tình hình kinh tế xã hội có những khó khăn nhất định nhưng khi dần mở cửa một bước thì không khí làm ăn của các doanh nghiệp cả nước hết sức tốt. Bên cạnh nhiều tấm gương tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… thì có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TPHCM”, Chủ tịch nước nói.

Riêng TP.HCM, Chủ tịch nước cho hay, đã có có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc. Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch, sống chung với dịch với điều kiện cụ thể (vaccine +5K).

Niềm tin vào một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với một động lực có cơ sở. Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu đến con số 6,5% GDP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm