Bán đảo Triều Tiên nóng cuộc đua vệ tinh do thám

(PLO)- Cuộc đua vệ tinh do thám giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang đẩy căng thẳng liên Triều leo thang.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bán đảo Triều Tiên tuần qua nóng vì cuộc đua vệ tinh do thám. Chỉ một tuần sau khi CHDCND Triều Tiên thông báo phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên lên quỹ đạo, phía Hàn Quốc cũng tuyên bố đã đưa lên quỹ đạo vệ tinh do thám quân sự nội địa đầu tiên.

Liên Triều đua vệ tinh do thám

Hôm 4-12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này thực hiện thành công vụ phóng thử lần thứ ba tên lửa nhiên liệu rắn mang theo vệ tinh, trong bối cảnh cuộc chạy đua không gian ngày càng tăng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, theo hãng tin Reuters. Trước đó, Seoul đã phóng thử loại tên lửa này vào các tháng 3 và 12 năm 2022.

Bán đảo Triều Tiên nóng cuộc đua vệ tinh do thám
Hàn Quốc phóng thử lần thứ ba tên lửa nhiên liệu rắn mang theo vệ tinh hôm 4-12. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG HÀN QUỐC

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa được phóng từ một sà lan nổi trên vùng biển cách đảo Jeju khoảng 4 km về phía nam vào lúc 14 giờ ngày 4-12 (giờ địa phương). Tên lửa đã đưa một vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 650 km.

Vệ tinh nặng 100 kg do hãng Hanwha Systems chế tạo đã gửi thành công tín hiệu đến trạm mặt đất lúc 15 giờ 45 phút cùng ngày, đồng nghĩa việc vệ tinh hoạt động bình thường.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này có kế hoạch phóng chính thức tên lửa nhiên liệu rắn mang theo vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo sau khi quá trình phát triển các thiết bị phóng tên lửa hoàn tất, nhằm củng cố hệ thống giám sát dựa trên vệ tinh của quân đội.

Vụ phóng thử trên diễn ra vài ngày sau khi Hàn Quốc hôm 1-12 thông báo phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên lên quỹ đạo bằng tên lửa SpaceX Falcon 9, từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg của Mỹ ở bang California.

Trước đó một tuần, vào ngày 21-11, Triều Tiên thông báo phóng thành công tên lửa Chollima-1 mang theo vệ tinh do thám quân sự có tên Malligyong-1 lên quỹ đạo. Triều Tiên khẳng định vụ phóng là quyền "hợp pháp" của nước này nhằm tăng cường "năng lực tự vệ", cũng như tuyên bố sẽ phóng thêm một số vệ tinh do thám trong thời gian tới, theo hãng thông tấn KCNA.

Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đưa vệ tinh do thám quân sự lên quỹ đạo vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Các nước này nói động thái của Triều Tiên vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đáp lại, ngày 4-12, người phát ngôn Cục Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên chỉ trích Mỹ có tiêu chuẩn kép khi giúp đỡ “một cách rõ ràng” vụ phóng vệ tinh do thám của Hàn Quốc trong khi lên án hành động của Triều Tiên, theo KCNA.

“Ngay cả trong lĩnh vực không gian, vốn là tài sản chung của nhân loại, việc áp đặt các tiêu chuẩn bạo lực của Mỹ là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được” - người phát ngôn này cho hay.

Người phát ngôn Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẽ không ngừng tăng cường năng lực giám sát của vệ tinh do thám nhằm giám sát kỹ lưỡng "các động thái quân sự" của Mỹ và các nước đồng minh.

Lĩnh vực cạnh tranh mới

Hai bên phóng vệ tinh quân sự trong bối cảnh căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng gia tăng. Cuộc đua do thám cũng đẩy hiệp định quân sự liên Triều ký năm 2018 đến bờ vực sụp đổ. Tháng trước, Triều Tiên thông báo đình chỉ hiệp định này trong khi Hàn Quốc tuyên bố đình chỉ một phần và nối lại các hoạt động giám sát dọc biên giới.

Hồi cuối tuần, KCNA đăng tải một bài bình luận của một chuyên gia Triều Tiên cảnh báo rằng “xung đột và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian”.

Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự.jpeg
Triều Tiên phóng thành công tên lửa Chollima-1 mang theo vệ tinh do thám quân sự có tên Malligyong-1 hồi tháng 11. Ảnh: KCNA

Theo giới quan sát, không gian đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên khi hai nước đều thành công trong việc đưa vệ tinh do thám của mình lên quỹ đạo và tuyên bố sẽ đưa thêm nhiều vệ tinh nữa nhằm tăng cường năng lực giám sát, theo hãng thông tấn Yonhap.

Theo trang 38 North - một trang web nghiên cứu về Triều Tiên, với việc phóng thành công vệ tinh do thám, Bình Nhưỡng đạt được uy tín trong nước và quốc tế cũng như giá trị tuyên truyền. Tuy nhiên, tính hiệu quả của vệ tinh Malligyong-1 sẽ phụ thuộc vào độ phân giải của hệ thống hình ảnh của Triều Tiên cũng như số lượng vệ tinh trên quỹ đạo mà Bình Nhưỡng có thể duy trì cùng lúc.

Trong khi đó, chuyên gia Cha Doo-hyun tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc - chuyên nghiên cứu Hàn Quốc và khu vực Đông Á) đặt câu hỏi về giá trị quân sự của vệ tinh Triều Tiên nhưng lưu ý tiềm năng hệ thống động cơ của nó đối với chương trình tên lửa đạn đạo và sự tiến bộ trong việc phát triển vệ tinh tương lai của Bình Nhưỡng.

“Việc Triều Tiên đảm bảo được lực đẩy động cơ để phóng một vật thể nặng khoảng 300 kg lên quỹ đạo có ý nghĩa đối với sự phát triển tên lửa trong tương lai của nước này. Điều đó có nghĩa Triều Tiên đã có được khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà không cần phải giảm kích cỡ chúng” - theo ông Cha.

Yonhap: Triều Tiên đóng thêm đại sứ quán ở châu Phi

Ngày 5-12, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã đóng cửa các cơ quan đại diện ở Senegal và Guinea.

Theo quan chức này, động thái trên diễn ra sau khi Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây đóng cửa đại sứ quán ở Angola, Nepal, Bangladesh, Tây Ban Nha và Uganda, khiến tổng số cơ quan ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài giảm từ 53 xuống 46.

Tháng trước, Triều Tiên cho biết việc đóng cửa và mở các cơ quan đại diện ngoại giao mới để “phù hợp với môi trường toàn cầu đang thay đổi và chính sách ngoại giao của quốc gia”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm