KCNA cảnh báo xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên

(PLO)- KCNA đăng bài bình luận quân sự cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-12, hãng thông tấn KCNA đăng tải một bài bình luận quân sự có nội dung cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian.

Theo KCNA, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với "sự sụp đổ hoàn toàn" nếu nước này thực hiện bất kỳ hành động thù địch nào đối với Bình Nhưỡng.

Tháng trước, Triều Tiên đã hủy bỏ hiệp định quân sự liên Triều sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận để phản đối việc Bình Nhưỡng phóng thành công vệ tinh do thám quân sự. Kể từ đó, miền Bắc đã khôi phục các đồn gác và mang súng hạng nặng dọc biên giới.

Bán đảo Triều Tiên.jpeg
Các đồn pháo binh của Triều Tiên được khôi phục trên đảo Jangjae của nước này hôm 11-11. Ảnh: YONHAP

Thỏa thuận quân sự liên Triều là “cơ chế tối thiểu và là ranh giới cuối cùng để ngăn chặn xung đột quân sự trong khu vực dọc đường phân giới, nơi các lực lượng vũ trang tập trung với mật độ cao nhất và đối đầu gay gắt nhất trên thế giới”, theo bài báo.

"Xung đột và chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên đã trở thành vấn đề thời gian chứ không còn là nguy cơ" - bài báo có đoạn.

Bài báo cũng viết rằng việc phóng vệ tinh của Triều Tiên là "quyền hợp pháp và chính đáng của một quốc gia có chủ quyền" và rằng việc Hàn Quốc đình chỉ thỏa thuận để đáp trả việc phóng vệ tinh là vô nghĩa.

Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhắc lại rằng bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều là "vi phạm rõ ràng" các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hãng Yonhap đưa tin.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ động thái của Triều Tiên, đồng thời lưu ý rằng quyền phát triển không gian mà Triều Tiên tuyên bố chỉ dành cho những quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm