Bạn đọc tranh luận việc luật hóa dạy thêm

(PLO)- Nhiều bạn đọc bày tỏ không đồng tình với đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì có thể gây áp lực lên học sinh và phụ huynh.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Cử tri muốn biết bao giờ bỏ giấy chuyển viện, luật hóa dạy thêm” về nội dung các đại biểu Quốc hội đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

Bạn đọc Ngọc Nhi cho biết: “Nhìn từ thực tế, nhiều phụ huynh mong muốn cho con học thêm để nắm vững kiến thức hơn, chỗ nào chưa hiểu thì có thể nhờ thầy cô hướng dẫn thêm. Điều này nên xuất phát từ việc các con học kém, chậm nhịp so với các bạn chứ đừng vì “bệnh” thành tích hoặc con người ta đi học, con tôi cũng đi học”.

“Tôi không phản đối việc học thêm, dạy thêm nhưng phải đúng với chữ “thêm”, nghĩa là con được luyện tập nhiều hơn, ôn lại kiến thức nào chưa vững, biết được cái chưa kịp tiếp thu trên lớp. Thầy cô nào cắt xén kiến thức trên lớp để mang về dạy thêm hoặc dạy trước chương trình để học sinh phải đi học thêm mình thì không thể coi là dạy thêm chân chính” - bạn đọc Nguyễn Nhung viết.

Từ phương diện phụ huynh, bạn đọc Văn Nghĩa cho rằng: “Bây giờ, chương trình học đã đổi mới rất nhiều, không còn giống như thời của phụ huynh. Các con về nhà mà hỏi cha mẹ bài tập này làm như thế nào, chỗ này nên hiểu ra sao thì nhiều người như tôi đành bất lực vì không biết làm sao để chỉ con. Cho con đi học thêm cũng là chuyện tốt mà. Con có gì không biết thì hỏi thầy cô, thầy cô thấy con yếu chỗ nào thì luyện thêm cho con chỗ đó. Điều đáng nói là phụ huynh cần đảm bảo cho con học thêm vừa phải, dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi chứ đến cuối tuần cũng phải “chạy show” thì em nào chịu nổi”.

Tương tự, bạn đọc Mỹ Dung chia sẻ: “Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, phụ huynh và học sinh, đồng thời, cần có quy định rõ ràng. Giáo viên không được dạy thêm học sinh do mình giảng dạy trên lớp chính khóa để đảm bảo công bằng, tránh thiên vị. Ngoài ra, việc dạy thêm còn cần cơ quan chức năng giám sát, quản lý chặt chẽ để đảm bảo môi trường học ngoài nhà trường hiệu quả và lành mạnh”.

Phụ huynh đợi đón con tại một lớp học thêm. Ảnh: KN

Không thiếu hình thức tổ chức dạy thêm

Bạn đọc Minh Lê bình luận: “Có thật sự cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện không? Hiện nay, không thiếu các trung tâm dạy thêm tại các thành phố lớn, nơi tập trung lượng lớn học sinh và nhu cầu học thêm từ các em. Hầu hết các trung tâm đều đảm bảo về chất lượng giáo viên đứng lớp, nội dung dạy thêm. Khi học sinh đăng ký học, họ sẽ kiểm tra đầu vào để xếp lớp. Học sinh cùng lớp không chênh lệch về học lực thì giáo viên giảng dạy đỡ vất vả hơn”.

“Con tôi học lớp 10, một ngày học 2 buổi, về đến nhà, tắm rửa, ăn cơm thì đã gần 8 giờ tối. Nếu con đăng ký học thêm thì thời gian nghỉ ngơi sẽ phải giảm, con cũng không kịp hoàn thành bài tập trên lớp. Tôi cho rằng việc học thêm vẫn cần thiết nhưng chỉ nên bắt đầu khi con chuẩn bị thi chuyển cấp như từ lớp 9 lên lớp 10 và thi đại học. Lúc này, các con cần hệ thống hóa lượng kiến thức đã học, ôn tập các dạng bài,… và được sự hướng dẫn của giáo viên dạy thêm thì các con sẽ tập trung, ôn đúng trọng tâm, tránh lan man” – bạn đọc Trần Đăng viết.

Bạn đọc Tùng Vân đề xuất: “Theo tôi, thay vì dạy thêm thì tại sao chúng ta không tổ chức các lớp bồi dưỡng trong trường dành cho học sinh yếu, kém, khó tiếp thu để cải thiện việc học của các em. Việc học thêm bên ngoài luôn là khoản chi tiêu tốn kém của phụ huynh. Thời gian và địa điểm cũng là bất lợi, trong khi học trong trường thì phụ huynh không cần đưa rước nhiều lần. Tôi nghĩ rằng cho con học lớp bồi dưỡng tại trường, nhiều cha mẹ sẽ yên tâm hơn về chất lượng dạy học”.

Bạn đọc Kha Nhiên cho rằng: Không phải cấm hay không cấm việc dạy thêm, học thêm mà là giảm tải áp lực học hành cho học sinh, qua đó giảm áp lực cho phụ huynh và toàn xã hội. Nội dung chương trình phải phù hợp với năng lực của học sinh, đừng cao quá khiến học sinh buộc phải đi học thêm mới có thể được điểm cao. Đây mới là vấn đề cần bàn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới