Bạn đọc chia sẻ với những người nuôi trẻ HIV

“Đọc bài báo Nhọc nhằn nghề chăm sóc trẻ nhiễm HIV (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-4), tôi không sao cầm được nước mắt. Thương các con cuộc đời long đong, mang bao nhiêu thương đau một kiếp người. Thương các cô hy sinh, vất vả, dám can đảm chọn nghề mà mấy ai trong chúng ta, kể cả bản thân tôi chưa một lần nghĩ tới sẽ chọn” - bạn đọc Chi Chi mở đầu với một chia sẻ đầy cảm động.

Chăm sóc bé bằng tấm lòng người mẹ

Đã có rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi về Pháp Luật TP.HCM bày tỏ quan điểm, cảm xúc như trên. Nhiều ý kiến cho rằng để nuôi dưỡng một đứa trẻ phát triển bình thường đã vất vả trăm bề, huống chi các con ở Trung tâm Linh Xuân. Các cô bị áp lực công việc nhiều lắm, chăm sóc các em đủ loại bệnh tật như vậy, khó khăn như vậy thì làm sao các cô tránh khỏi lúc bực mình khi bé không chịu ăn, la hét, quậy phá...

Bạn đọc Nguyễn Thành bộc bạch: “Tôi đã và đang làm việc với trẻ khuyết tật. Tôi hiểu những khó khăn mà các bảo mẫu gặp phải khi nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Công việc của các cô không chỉ kiên trì, bình tĩnh để dạy trẻ từ những kỹ năng cơ bản nhất, lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ với trẻ mà còn kiêm luôn việc chăm sóc, đảm bảo vệ sinh cho từng em. Các cô không chỉ là bảo mẫu, y tá cho trẻ, chăm lo cho các em từ giờ học đến giờ nghỉ, giờ chơi; nếu không có tấm lòng của một người mẹ, chắc chắn khó có ai “trụ” lại được với những lớp học như thế”.

Các cô ở Trung tâm Linh Xuân đang cùng các cháu sinh hoạt trong giờ chơi. Ảnh: HOÀNG LAN

“Tôi thường nuôi con bệnh trên BV Nhi đồng 2 và thường xuyên thấy các cô trong clip đi nuôi các cháu bệnh nhiễm HIV ở phòng số 8 khoa Nhiễm. Lúc đầu tôi cứ tưởng là mẹ nhưng sau khi nói chuyện tôi mới biết các cô là bảo mẫu. Tôi không dám hỏi thêm nhưng không biết các cô có gia đình, con cái hay không mà các cô ở trên viện suốt cả tuần, ngày đêm canh trực các cháu bệnh như một người mẹ thực thụ”. Bạn đọc Nguyễn Sinh kể.

“Tôi đã nhiều lần đến Trung tâm Linh Xuân làm từ thiện. Có lần tôi đến thăm đúng lúc các cô cho trẻ ăn trưa. Tôi liền đến xin phép các cô cho tôi cùng tham gia đút cơm cho nhóm trẻ mầm non. Tôi đút cho bé gần cả tiếng đồng hồ mà chưa xong bữa ăn. Trong khi đó, tôi quan sát các cô làm thế nào để cho các bé khác ăn hết suất ăn. Tôi thấy các cô mồ hôi đẫm áo, trẻ thì lăng xăng chạy tới đi lui. Cô thì miệng la, tay đút cho trẻ ăn, thỉnh thoảng lại hét lên vì một bé nào đó làm đổ tô canh, chén cơm, các cô lại lo lau dọn sạch để tránh trơn trượt... Nhìn cảnh đó tôi thấy chóng cả mặt, phục các cô vô cùng. Không hiểu sao các cô mỗi ngày làm việc như thế mà không biết mệt mỏi”. Bạn đọc My My Trần nhớ lại.

Mong các cô tiếp tục công việc

Mến phục tấm lòng của các cô, bạn đọc mong muốn các cô đừng để xảy ra những tắc trách. Với sự việc đã qua, những người làm sai phải chịu trách nhiệm nhưng với những “mẹ hiền” khác cần được sự chia sẻ, động viên để các cô hoàn thành tốt chức trách của mình.

“Tôi rất đồng tình với biện pháp khắc phục của giám đốc trung tâm sẽ lắp đặt hệ thống camera ở các phòng để quan sát nhằm chỉnh đốn kịp thời những hành động không mang tính giáo dục. Thương lắm cô giáo mầm non nói chung và các cô chăm sóc các trẻ kém may mắn nói riêng. Họ có trăm ngàn nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Chúng ta hãy có cái nhìn ấm áp hơn, chia sẻ hơn để những người làm công việc cao cả, thầm lặng ấy được cảm thấy có động lực để tiếp tục dấn thân phục vụ những mảnh đời bất hạnh”- bạn đọc Chi Chi bày tỏ.

“Tôi nghĩ ban giám đốc và nhân viên không ai mong muốn điều này xảy ra. Việc sai lầm này cần phải phê phán nghiêm túc và triệt để nhưng cũng mong các bạn, các thầy cô ở Linh Xuân hãy đứng dậy, bước đi tiếp công việc thầm lặng mà vinh quang này. Hãy tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên cho nhân viên về công tác chăm sóc trẻ. Đặc biệt là tổ chức các phòng ban chức năng, ban giám đốc, đoàn thể... kiểm tra, giám sát chặt chẽ, liên tục để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh ngay khi có sai phạm. Đường phía trước còn dài, các em mồ côi còn tiếp tục lớn lên và trưởng thành, các em vẫn rất cần các thầy cô nuôi dưỡng” - bạn đọc Vui Vẻ tạm chốt lại câu chuyện.

Mọi người luôn đồng hành với trung tâm

Theo tôi nghĩ đã là con người thì ai cũng có những lúc tâm trạng vui buồn, mắc phải sai lầm trong công việc. Đối với các cô chăm sóc trẻ HIV cũng vậy thôi. Tôi mong các cấp lãnh đạo hãy suy xét một cách có tình có lý, động viên khích lệ cho những người có tâm huyết với cái nghề đặc biệt này, đừng làm mất đi những người có tâm huyết với ngành. Tôi và nhiều người sẽ đồng hành cùng trung tâm vì mục đích cao cả mà các cô đang làm. Tôi hứa sẽ đến trung tâm trong một ngày gần nhất để động viên, chia sẻ với trung tâm. Chúc cô giám đốc, các cô bảo mẫu và các bé luôn vững tin, mạnh khỏe và vui tươi trở lại...

Lê Phương Mai (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm