‘Cứ ở nhà chống dịch, mai cô ăn gì con mua!’

Từ đầu tháng 4, nhiều phường trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức phát cơm miễn phí tận nhà, trao tặng các nhu yếu phẩm như gạo, mì gói… cho người già neo đơn, lao động nghèo.

Những bữa cơm được giao tận nhà

Chúng tôi đã đi cùng đoàn cán bộ của UBND phường 9, quận Phú Nhuận đến nhà của bà Khâu Thị Thiệt (72 tuổi, ngụ phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Căn nhà chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông và nằm sâu trong một con hẻm trên đường Đỗ Tấn Phong.

Bà Thiệt sống một mình trong ngôi nhà nhỏ này và mưu sinh bằng nghề bán vé số. Bà gặp khó khăn khi phát âm do bị tai biến nên cố lắm mới nói được từng chữ thật chậm.

Chấp hành chủ trương của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nên từ ngày 1-4 bà Thiệt đã ở nhà, không đi bán vé số nữa. Nằm trong danh sách hộ khó khăn trên địa bàn nên bà Thiệt được cán bộ phường đem đến tận nhà những đồ dùng thiết yếu hằng ngày như gạo, mì gói, gia vị…

Mỗi ngày bà Thiệt nhận được hai phần cơm miễn phí được giao đến tận nhà. Người đưa cơm là các đoàn viên thanh niên hay các chị trong hội phụ nữ của phường. Cơm được đưa đến vào buổi trưa và chiều, đúng giờ để giúp bà có bữa ăn đúng giờ giấc.

Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, bà Thiệt cười: “Cơm ngon, tôi ăn no. Các anh chị không lấy tiền là vui rồi. Mấy anh chị ở phường hay mang cơm đến, hỏi thăm các kiểu. Lúc nào cũng dặn đừng đi ra ngoài nhiều nên tôi cũng thấy đỡ buồn phần nào”.

Cùng cảnh ngộ, sống một mình giữa mùa dịch, những ngày đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Sáu (69 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp) cũng nhận được các phần cơm miễn phí từ các chị trong hội phụ nữ phường.

Thu nhập chính của bà Sáu cũng từ công việc bán vé số và nhặt ve chai hằng ngày. Nay bà Sáu cũng tạm ngưng công việc hằng ngày, ở nhà để phòng, chống dịch.

Cũng nằm trong danh sách hộ khó khăn nên bà Sáu cũng được UBND phường hỗ trợ vật dụng, thực phẩm hằng ngày để giúp bà ổn định cuộc sống.

“Dịch bệnh, không đi bán được nên tôi cũng chật vật, không có đồng vô đồng ra hằng ngày. May nhờ có mấy anh chị trên phường cho cơm, thực phẩm, gạo… nên cũng an tâm ở nhà tránh dịch cho an toàn” - bà Sáu chia sẻ.

Chị Trần Thụy Trúc Sơn (trái), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM, trao tận tay phần cơm trưa cho bà Sáu. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Bà Thiệt cẩn thận cất giữ các nhu yếu phẩm được hỗ trợ. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Phải đủ sống để yên tâm chống dịch

Sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các phường đều đã có chính sách chăm lo cho người già neo đơn, người lao động nghèo (bán vé số, nhặt ve chai...) bị mất thu nhập.

Đến thăm bà Thiệt, anh Lữ Văn Minh (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 9, quận Phú Nhuận) luôn miệng hỏi: “Sáng cô ăn ngon không, mai ăn gì tụi con mua. Ở trong nhà, không ra đường để phòng dịch nha cô”.

Anh Minh cho biết trên địa bàn phường có sáu người già neo đơn cần được hỗ trợ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các phần quà hỗ trợ gồm gạo, mì gói, gia vị, thực phẩm đóng hộp… đủ để họ sử dụng trong thời gian 14 ngày với giá trị 500.000 đồng. Phần kinh phí được trích từ quỹ Vì người nghèo của phường.

“Những người mạnh khỏe, tự nấu ăn thì phường có lực lượng hỗ trợ mua các thực phẩm tươi sống, gạo, gia vị. Những cụ không tự nấu được thì phường mang cơm đến tận nhà, có thêm mì gói, đồ hộp. Khi mua thực phẩm, chúng tôi hỏi các cụ ăn được gì, thích gì để hợp ý các cụ. Chủ yếu đảm bảo các cụ an tâm ở nhà chống dịch” - anh Minh chia sẻ.

Chị Trần Ngọc Phượng (Bí thư Đảng ủy phường 5, quận Gò Vấp) cho biết việc chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh rất cần sự góp sức của tất cả ban, ngành, đoàn thể và người dân.

“Phường có tất cả 61 người già neo đơn, lao động nghèo cần hỗ trợ. Phường đã vận động được 61 phần cơm/ngày để phát miễn phí kèm theo các nhu yếu phẩm, gạo, mì gói... Tuy nhiên, mỗi cá nhân được hỗ trợ lại có thêm người thân phụ thuộc. Nên chỉ tính riêng việc hỗ trợ các suất ăn miễn phí thì cần có 148 phần/ngày. Phường đang cố gắng vận động thêm từ các nhà hảo tâm” - chị Phượng nói.

Một ngày sau khi vận động, nhiều nhà hảo tâm đã đến ủng hộ để đủ 148 phần cơm/ngày phát cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Phải “dọa” để các cụ ở nhà

Ngoài hỗ trợ các bữa ăn miễn phí, nhu yếu phẩm thì việc đảm bảo các cụ thường xuyên ở nhà trong thời gian cách ly xã hội cũng rất quan trọng. Nhiều lúc cán bộ phường phải “dọa” thì các cụ mới chịu ở nhà.

Các cụ chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán dạo, lại không con cháu nên nếu ở nhà thì rất dễ buồn, mà cứ buồn thì lại ra ngoài đi lòng vòng. Cán bộ phường xuống đưa cơm, thăm hỏi không thấy đâu thì phải đi tìm. Thế là cán bộ phải “dọa” để cụ không đi ra ngoài nữa.

Nói là dọa chứ thật ra các cán bộ phường cũng chỉ khuyên các cụ không ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh, giải thích cho họ cách để đảm bảo sức khỏe… Khi hiểu ra thì các cụ đều vui vẻ chấp hành và chấp hành rất nghiêm.

Bà PHẠM THỊ XUÂN TRANGPhó Chủ tịch UBND phường 9,
quận Phú Nhuận
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…