Dân số vàng: Mừng ít lo nhiều

Tuy nhiên, sau thời hoàng kim này hàng loạt các vấn đề nảy sinh mà nguyên nhân sâu xa là do chất lượng dân số thấp.

Dân số vàng: Mừng ít lo nhiều ảnh 1

Hôm nay dân số là vàng nhưng báo hiệu ngày mai là gánh nặng. Ảnh: Hải Nguyên

Dân số chất lượng thấp

Ông Dương Quốc Trọng, tổng cục trưởng tổng cục Dân số và kế hoạch hoá gia đình bộ Y tế đã thừa nhận rằng hiện Việt Nam đã giải quyết được vấn đề giảm sinh và đạt mức sinh thay thế nhưng đang đối mặt với chất lượng dân số thấp.

Năm 2008, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam chỉ đạt 0,733 điểm, xếp thứ 105/177 quốc gia, rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Ngay ở yếu tố về thể chất con người Việt Nam cũng rất thấp, có 1,5% dân số Việt Nam bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ.

Tầm vóc, thể lực cân nặng, sức bền của người Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh của Việt Nam chỉ đạt 60,2 tuổi, xếp thứ 116/174 nước trên thế giới.

Trong khi một số nước châu Âu khuyến khích người dân sinh con thì Việt Nam phải tìm mọi cách để giảm mức sinh. Thành quả đạt được là tỷ lệ tăng dân số bình quân năm từ năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 10 năm trước.

 Tuy nhiên, nhìn vào dân số cả nước thì sau 10 năm, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở công bố trong năm nay, dân số nước ta tăng thêm tới gần 9,5 triệu người. Ngành dân số chỉ chăm chăm vào việc vận động kế hoạch hoá gia đình mà quên đi chất lượng con người.

Gánh nặng

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình thuộc viện Xã hội học cho hay “tấm thẻ dân số vàng” cho Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào, với trên 45 triệu người. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui này là nỗi lo: lực lượng lao động chưa có trình độ cao.

Hiện nay xuất khẩu lao động chủ yếu là các ngành lao động phổ thông. Sau một thời gian làm việc ở nước ngoài về lại phải đào tạo lại vì ngành làm việc của họ không có ở Việt Nam, hoặc không hợp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn ở mức thấp, lao động có bằng cấp công nhân kỹ thuật trở lên chỉ đạt 7,83%, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hôm nay dân số là vàng nhưng báo hiệu ngày mai là gánh nặng vì số người hết tuổi lao động sẽ chiếm tỷ lệ lớn. Đối tượng này tuy có kinh nghiệm sống nhưng thể lực không còn nên không góp sức được nhiều. Trong khi đó, đây là lực lượng hưởng phúc lợi xã hội nhiều. Do đó, cần có sự cân đối hoá các nhóm tuổi tham gia vào sản xuất xã hội. Dân số vàng mà không kiểm soát được mức sinh sẽ đặt quốc gia vào thách thức về lao động, việc làm.

Mỗi năm có thêm 1,5 – 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đòi hỏi phải được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm. Lao động bây giờ không phải là cầm tay chỉ việc như trước nữa mà cần phải có tri thức, trí tuệ. Số việc làm cần lao động giản đơn sẽ bị xoá sổ. Ngay từ bây giờ chúng ta cần những lao động có trí tuệ, kỹ năng, trí thức nếu không sẽ bỏ lỡ cơ may của sự tăng tốc.

Cũng theo TS Bình, nếu lao động cứ phải đào tạo đi đào tạo lại, chỉ trông vào đào tạo sẽ bỏ lỡ chuyến tàu lịch sử. Thời điểm này còn có nhiều cơ hội để lựa chọn, nhưng nếu mất thời gian dài đào tạo sau này cánh cửa sẽ bé lại, không có sự lựa chọn nữa. Chính vì vậy, chất lượng dân số quá thấp, con người không đáp ứng được nhu cầu của thời đại sẽ bị đào thải.

 Đơn cử, với ngành công nghiệp ôtô hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm còn quá thấp. Đó là do trình độ của lực lượng lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi đây là một ngành công nghiệp tiềm năng. Chất lượng dân số thấp sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề chứ không chỉ về lao động.

Kinh phí đầu tư cho công tác dân số lại đang giảm dần trong khi nhu cầu tối thiểu cho lĩnh vực này trong 10 năm tới cần 150 tỉ đồng/năm. Nếu không có những biện pháp mạnh thì trong tương lai Việt Nam sẽ đối mặt với hậu quả nặng nề của chất lượng dân số.

“Một khía cạnh nữa liên quan đến dân số mà chúng ta đang bàn đến là chênh lệch giới tính. Chúng ta cứ nói vui với nhau là thế hệ sau này phải nhập khẩu cô dâu. Chuyện này xem ra còn có thể chứ nhập khẩu lao động là không thể. Nguồn nhân lực là nội lực”, TS Bình nói.

Theo Lệ Hà (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm