Tháng 8-2004, bà T. mua miếng đất gần nhà ông S. (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) để mở nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu. Trước đó, ông S. có chừa lối đi với chiều ngang gần 2 m cho người hàng xóm (tức người đã bán đất cho bà T.) sử dụng.
Trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp của bà T. thường để xe tải gây ồn, bụi... làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông S. Lại nữa, theo ông S., bà T. còn có một lối đi khác với chiều ngang hơn 15 m để ra đường lớn. Ông S. không muốn bà T. tiếp tục sử dụng lối đi cũ. Ngược lại, bà T. muốn ông S. phải mở rộng lối đi cũ thành 4 m và bà đã khởi kiện ra tòa.
Cuối năm 2006, khi xử sơ thẩm lần đầu, TAND huyện Châu Thành đã bác đơn kiện của bà T. Theo tòa này, “doanh nghiệp của bà T. không bị các bất động sản liền kề vây bọc, trong khi bà còn lối đi khác rất thuận tiện cho việc đi lại, kinh doanh với chiều ngang hơn 15 m đúng như ông S. đã nêu”. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cũng yêu cầu ông S. phải giữ nguyên lối đi cũ như trước đây.
Bà T. kháng cáo với lý do cần có lối đi hơn 13 m2 để xe tải dễ ra vào. Tại phiên xử phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu ông S. bán cho bà T. hơn 13 m2 đất với giá hơn 40 triệu đồng. Theo HĐXX phúc thẩm, “lối đi sẵn có của bà T. không đủ để nhà máy hoạt động xuất khẩu gạo. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó có doanh nghiệp của bà T.”.
Cho rằng cách giải quyết này của tòa phúc thẩm “gây thiệt hại đến quyền lợi của một bên đương sự”, VKSND tối cao đã kháng nghị. TAND tối cao cũng đã ra quyết định giám đốc thẩm “hủy hai bản án phúc thẩm, sơ thẩm; giao hồ sơ về TAND huyện Châu Thành xét xử lại”. Lý do: tòa sơ thẩm chưa xác minh lối đi ban đầu rộng bao nhiêu, có từ bao giờ; việc buộc ông S. mở lối đi với chiều ngang 4 m chưa có cơ sở pháp lý vì đất bà T. không bị vây bọc bởi các bất động sản liền kề...”.
Đầu tháng 9-2009, TAND huyện Châu Thành đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai. Bản án tiếp tục tuyên buộc ông S. phải bán hơn 13 m2 đất (ngang 4 m, dài hơn 3 m) cho bà T. với giá hơn 40 triệu đồng.
Lần này, ông S. đã làm thủ tục kháng cáo. “Với chiều ngang 5 m, nếu tòa buộc tôi bán cho bà T. hết 4 m thì tôi đâu còn lối đi vào nhà mình!” - ông S. bất bình.
Được dành lối đi với điều kiện bị vây bọc Theo Điều 275 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề nếu không có thỏa thuận khác. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Độc giả NGUYỄN VĂN THANH (tỉnh Lâm Đồng, e-mail: vanthanh...@yahoo.com):
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng những việc làm hợp lẽ công bằng và phù hợp với pháp luật khác hẳn với viêc tạo điều kiện cho doanh nghiêp bằng các biện pháp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cần có nhận thức pháp luật một cách tường tận, chu đáo trong trường hợp này, kẻo cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm chính pháp luật mà mình có trách nhiệm phải bảo vệ.
HOÀNG ANH - NGUYÊN TRƯỜNG