Giao con cho cha vì... mẹ là công nhân?!

Với tranh chấp giành quyền nuôi con, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trong thực tiễn, nhiều tòa án đã hiểu sai tinh thần của điều luật trên, khi xét xử lại chỉ so sánh công việc, thu nhập, hoàn cảnh của vợ và chồng với nhau rồi quyết định giao con cho người cha trong khi người mẹ vẫn hoàn toàn có đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm lo tốt cho con, chẳng hạn như vụ việc dưới đây.

Giao con cho cha

Theo hồ sơ, anh PTP và chị ĐHTQ (cùng ngụ huyện Chợ Mới, An Giang) kết hôn vào năm 2012, sau đó có một con chung. Do bất đồng quan điểm, từ tháng 5-2014, vợ chồng họ ly thân, chị Q. bồng con về nhà mẹ ruột sinh sống.

Sau đó, anh P. nộp đơn ra TAND huyện Chợ Mới xin ly hôn và yêu cầu được nuôi con. Làm việc với tòa, chị Q. cũng thuận tình ly hôn nhưng không đồng ý giao con cho anh P.

Tháng 1-2015, TAND huyện Chợ Mới đã xử sơ thẩm, nhận định: Từ khi hai người ly thân, cháu bé do chị Q. trực tiếp nuôi dưỡng. Đến thời điểm xét xử, cháu chưa đủ 36 tháng tuổi, lẽ ra cần phải giao cho mẹ. Tuy nhiên, chị Q. là phụ nữ sống xa nhà, không có chỗ ở ổn định. Bản thân chị Q. là công nhân làm việc trong khu công nghiệp, điều kiện và thời gian chăm sóc con không đảm bảo, có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của cháu A.

Từ đó, tòa sơ thẩm cho rằng có căn cứ để chấp nhận yêu cầu nuôi con của anh P. Điều đáng nói là dù nhận định, kết luận như trên nhưng bản án sơ thẩm lại không hề nêu ra cụ thể hoàn cảnh, điều kiện của anh P. (vốn là một cán bộ công an).

Chị Q. kháng cáo giành quyền nuôi con. Trong thời gian chờ TAND tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm, anh P. cùng gia đình đã đến đưa con của hai người đi.

Tháng 6-2015, TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm, bác kháng cáo của chị Q. và giữ nguyên án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm cũng so sánh điều kiện của hai người, cho rằng anh P. có việc làm, thu nhập ổn định và theo xác nhận của địa phương, gia đình anh P. đủ điều kiện đảm bảo để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A. Tuy nhiên, tương tự bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm cũng không hề ghi rõ là anh P. làm gì, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể như thế nào.

Bị kháng nghị giám đốc thẩm

Tháng 12-2015, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này. Theo văn bản kháng nghị, chị Q. hiện làm việc tại một công ty thủy sản. Công ty này xác nhận mức lương bình quân của chị là hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị cũng được công ty cấp nhà ở, hỗ trợ thêm chi phí điện nước nhằm tạo điều kiện để chị nuôi con. Mặt khác, con của chị và anh P. là cháu gái, sống với mẹ từ nhỏ. Để ổn định tâm lý và giúp cháu được phát triển tốt về mọi mặt, lẽ ra các tòa sơ, phúc thẩm phải tiếp tục giao cháu A. cho mẹ mới đảm bảo được quyền lợi cho cháu và phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bên cạnh đó, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, vụ án này được tòa sơ thẩm xử vào ngày 30-1-2015, trong khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có hiệu lực từ 1-1-2015. Lẽ ra phải áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì hai cấp tòa sơ, phúc thẩm lại áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 là trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Từ đó chánh án TAND Tối cao đã yêu cầu hủy một phần bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm lại về phần nuôi con.

Đây là một trong những vụ giành quyền nuôi con khá hiếm hoi mà cấp giám đốc thẩm đã can thiệp vì tòa cấp dưới xét xử thiếu thuyết phục. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin tới bạn đọc.

Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, BLDS và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

(Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm