Mất niềm tin, dễ bị kích động

Gần đây chúng ta thấy xuất hiện nhiều hơn các vụ “tự xử lý” những mâu thuẫn yêu đương mang tính bạo lực. Không những gia tăng về số lượng mà mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng đáng báo động. Một thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm nêu trong số các vụ giết người vì nguyên nhân xã hội, số vụ giết người do mâu thuẫn tình ái chiếm tới 9%.

Khủng hoảng

Về bản chất, đây là hiện tượng khủng hoảng niềm tin và giá trị sống. Khi một cá thể lớn lên mà không có niềm tin vào cộng đồng, gia đình hoặc chính bản thân mình, hoặc khi cá thể không còn tin vào sự hiện diện của những giá trị tốt đẹp như chân, thiện, mỹ thì ta có thể gọi nôm na cá thể ấy bị khủng hoảng niềm tin và giá trị sống.

Những người rơi vào trạng thái này sẽ cảm thấy cuộc sống là cực hình, trong khi đó bản thân họ thì bế tắc và chung quanh họ sẽ chẳng có ai có thể giúp được họ. Họ có những biểu hiện như dễ bị kích động, tràn ngập cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ, thường có những hành vi tự hủy hoại bản thân như uống rượu, cờ bạc, cá độ hoặc tự cắt cơ thể. Họ có khuynh hướng ăn ngủ hoặc quá nhiều hoặc quá ít, dễ giật mình, hoảng sợ, hay ngất xỉu hoặc nhức đầu, thờ ơ với mọi thứ, dễ quên và khó tập trung vào một việc gì lâu hơn 15 phút. Nếu có những biểu hiện trên thì đã đến lúc họ cần sự trợ giúp của người thân và của chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

Mất niềm tin, dễ bị kích động ảnh 1

Nhận diện được giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống sẽ xóa được  những cách tự xử lý mang tính bạo lực. Trong ảnh: Thanh niên chăm sóc, vui chơi với các em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.
Ảnh: HTD

Nguyên nhân từ gia đình

Vì sao có hiện tượng khủng hoảng niềm tin và giá trị? Phổ biến nhất hiện nay dưới góc độ tư vấn và trị liệu tâm lý lâm sàng là nguyên nhân gia đình. Nếu lớn lên trong một gia đình mà cha hoặc mẹ ngoại tình, hoặc đối xử bằng bạo lực, hoặc thường hay đánh đập, chửi mắng con một cách thù hằn thì các trẻ sẽ rất dễ đánh mất niềm tin và giá trị sống. Những nguyên nhân khác có thể gây ra sự khủng hoảng này là khủng bố hoặc lạm dụng tình dục, sụp đổ thần tượng nơi thầy cô, hoặc bị ép buộc vào băng đảng, hoặc hay làm điều phi pháp hoặc tội lỗi mà bản thân không đủ sức để tự giải thoát và chấm dứt.

Khi cá nhân ở trong tình trạng khủng hoảng niềm tin và giá trị sống, đầu tiên họ luôn cho rằng họ là người xấu. Kế đến, những gì tai nghe mắt thấy chung quanh sẽ bị lệch lạc theo hướng tiêu cực. Họ thấy thế giới chung quanh họ chỉ có hai loại người, một loại là những người cùng xấu như họ và một loại là những người biết rằng họ (người bị khủng hoảng) xấu. Trong lúc họ xem phim, đọc báo, nghe chuyện thì chỉ những chuyện xấu là tồn tại và có thật mà thôi. Càng nhiều những câu chuyện bạo lực, cực đoan thì trong bản thân họ áp lực tâm lý trầm uất càng tăng. Cứ thế tích tụ dần dần, rồi một lúc có một sự kiện xấu nào xảy ra, ví dụ người họ yêu từ bỏ họ thì trong thế giới của họ, đó là bằng chứng của sự phản bội, sự mất niềm tin, sự mất giá trị sống, rồi giọt nước tràn ly và hậu quả thì ta đã biết rồi đó.

Bốn bước giải thoát

Để giải thoát tình trạng khủng hoảng này ta cần bốn bước cơ bản.

1. Xóa bỏ mặc cảm tội lỗi để bên trong không còn cuộc chiến nội tâm nữa, mà hướng đến chấp nhận bản thân.

2. Thu thập niềm tin, bằng sự tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính bản thân mình, để hiểu rõ về bản thân và học cách tin vào bản thân trở lại.

3. Tập tính kiên nhẫn, biết quẳng gánh lo đi mà vui sống, biết chờ đợi trong sự chủ động, biết gieo điều tốt để mong gặt được điều tốt.

4. Đón nhận sự thay đổi màu nhiệm tự thân.

TRẦN HỮU ĐỨC, Chuyên gia tâm lý

Phải biết tha thứ

Hồi còn trẻ, tôi có một mối tình rất đẹp và lãng mạn. Tôi và anh ấy cùng quê, cùng lên Sài Gòn học và yêu nhau. Khi ra trường, tôi quyết định lập nghiệp ở Sài Gòn, còn anh ấy được người nhà xin một chỗ làm ở quê. Vì mỗi người một nơi nên chúng tôi thường hay nghi ngờ và không tin tưởng lẫn nhau. Sau những tháng ngày bất đồng, chúng tôi quyết định chia tay mặc dù tôi biết chúng tôi vẫn còn thương nhau. Một năm sau, anh ấy lấy vợ, tôi rất buồn nhưng cũng cầu chúc cho anh được hạnh phúc. Hiện giờ mỗi khi về quê, chúng tôi vẫn hay gặp mặt, tâm sự chuyện cuộc sống và cùng xác định là những người bạn tốt của nhau.

Những ngày gần đây, thông tin về nhiều vụ yêu nhau không thành dẫn đến giết người một cách dã man làm tôi bất bình. Vì sự ích kỷ của bản thân mà họ giết người tình cũ, để rồi người chết, kẻ phải chịu tù tội. Xung quanh ta còn có gia đình, bạn bè, những người thân quen và phía trước còn có một tương lai. Cớ chi vì một người mà ta hủy hoại tất cả? Theo tôi, các bạn trẻ nên vị tha, lạc quan để cuộc sống luôn tốt đẹp, bình yên.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÙY (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Yêu là phải nghĩ đến người khác

Trong vụ tạt xăng đốt chết người mình thương, tôi không thể lý giải được vì sao lại có người tàn ác như vậy. Nếu thực sự yêu thì đối tượng phải biết tôn trọng sự lựa chọn của cô gái, đồng thời phải có cách xử sự văn minh để không làm tổn hại đến tính mạng của cô. Khi làm ngược lại thì đối tượng đã bộc lộ sự vị kỷ đáng chê trách.

Tôi rất ưng ý với lời khuyên của một chuyên gia “mọi người hãy nên cân nhắc, thiệt hơn, lợi - hại để có những quyết định sáng suốt”. Và tôi mong là những vụ án đau lòng liên quan đến tình yêu, ghen tuông sẽ không còn tiếp tục gây nhức nhối cho xã hội.

PHƯỚC THỊNH (Quận 2, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm