Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cần coi trọng đấu tranh với những thói hư, tật xấu trong cán bộ, đảng viên, nhất là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân.
|
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PLO |
Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nhằm giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Đây là cuốn sách góp phần hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nội dung chính của cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Phần thứ hai, nhất quán phương châm: phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Phần thứ ba là trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Việc nghiên cứu, học tập các nội dung trong quyển sách là cơ hội để mỗi cán bộ, công chức cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TP.HCM nói chung và cán bộ, công chức Ban Nội chính Thành ủy nói riêng phải thường xuyên thường xuyên tự giác rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống, “tự soi, tự sửa” mình; gương mẫu trong lời nói đi đôi với việc làm; phấn đấu ngày hôm sau làm tốt công việc hơn chính mình ngày hôm trước; có ý thức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị.
|
Mỗi cán bộ, công chức Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Ảnh: PV |
Mỗi cán bộ, công chức cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TP.HCM nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc nắm vững và thực hành những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.
Mỗi cán bộ, công chức Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước; của cấp ủy, chính quyền TP đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đội ngũ cán bộ ngành nội chính TP.HCM coi trọng việc tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực, tự nghiên cứu tìm hiểu cách làm hay, cách làm mới, cải tiến phương pháp làm việc để phục vụ tốt, tham mưu tốt cho lãnh đạo ban đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, đề xuất xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, báo cáo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
Công tác tham mưu, giúp việc cấp ủy đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức không chỉ "tâm sáng, tầm cao", bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông chuyên môn, giỏi nghiệp vụ mà còn cần hình thành niềm đam mê, yêu nghề, tinh thần và khát vọng cống hiến với sự nghiệp đổi mới, phát triển của TP.HCM và của đất nước; gắn liền với đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Học tập tinh thần của Tổng Bí thư, cán bộ, công chức ngành nội chính TP.HCM sẽ nỗ lực để thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.