‘Bản thú tội ngoại tình’ có được coi là di chúc?

Mới đây, TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã đưa vụ án “chia thừa kế” theo yêu cầu của ông N.N.N. (quận Hải Châu) ra xét xử.

“Bản thú tội” có nội dung về tài sản

Theo đó, ông N. là con trai của ông Đ. và bà P. Năm 1999, ông Đ. và bà P. ly hôn. Sau đó, ông Đ. kết hôn với bà A. và sinh được hai người con. Năm 2008, ông Đ. chết, không để lại di chúc. Tài sản của ông Đ. được xác định gồm: một ngôi nhà và đất là tài sản riêng, một nửa nhà và đất chung với bà A.

Ông N. khởi kiện cho rằng cha mình không có di chúc nên việc chia thừa kế theo pháp luật gồm có bốn người được hưởng gồm: ông N., bà A. và hai người con sau của ông Đ. với bà A. (riêng mẹ ruột ông Đ. đã chết nên không được tính).

Bà A. cho rằng trước khi chết, ông Đ. đã để lại “di chúc” lập ngày 2-12-2007 và được UBND phường chứng thực. Theo đó, ông Đ. để lại toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của ông cho bà A. và hai con trai (của bà và ông Đ.). Bà A. đã trình tòa tờ giấy mà bà cho rằng đó là “di chúc”. Trong tờ giấy này có ghi rõ “lời thú tội” của ông Đ.

Theo bản “thú tội” thì từ tháng 5 đến tháng 11-2007, ông này đã có quan hệ với cô D. làm nghề tiếp thị bia tại một quán trên đường Nguyễn Văn Linh. Trong đó, ông Đ. có ghi rõ số điện thoại của cô này. “Tôi nhận thấy không xứng đáng với tình cảm và sự hy sinh của vợ tôi dành cho tôi và không xứng đáng để nuôi dạy hai con. Để vợ tôi có điều kiện nuôi hai con ăn học thành người, tôi tự nguyện ký chuyển toàn bộ quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất hai ngôi nhà cho bà A. Toàn bộ tài sản gắn liền với nhà cũng được giao cho bà A. để nuôi hai con…” - trích bản “thú tội” của ông Đ.

“Bản thú tội” này được UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) xác nhận như sau: “Ông Đ. thường trú tại địa phương có chữ ký trên là đúng”. “Bản thú tội” này sau đó cũng được sao y và đưa đến phường này chứng thực sao y bản chính.

Sơ thẩm: Không công nhận đó là di chúc

Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía bị đơn cho rằng “bản thú tội” này của ông Đ. là di chúc, thể hiện rõ quan điểm của ông khi còn sống. Vì có di chúc nên việc chia tài sản theo pháp luật là không còn.

Sau khi xem xét, HĐXX cho rằng di chúc ông Đ. lập không đúng quy định cả về hình thức và nội dung. Theo đó, ông Đ. tự nguyện chuyển nhượng quyền sở hữu và quyền sử dụng đất tại hai ngôi nhà cho bà A. Theo tòa, lời lẽ trong di chúc thể hiện tinh thần của ông Đ. lúc đó bị đe dọa, cưỡng ép và bị kích động về tinh thần. Ngày lập di chúc là ngày 2-12 nhưng chứng thực chữ ký tại phường là ngày 3-12. Mà phường Thanh Bình không phải là nơi ông Đ. cư trú. Người làm chứng là người thân của người được hưởng di chúc (bà A.). Từ những nhận định trên, HĐXX cho rằng di chúc không hợp pháp nên phải xử lý tài sản ông Đ. theo pháp luật.

Từ đó HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chia khối tài sản thừa kế của ông Đ. theo pháp luật. Theo đó, tòa xác định tổng giá trị tài sản của ông Đ. để lại là hơn 2,3 tỉ đồng, ông N. sẽ được nhận một phần di sản có giá trị gần 650 triệu đồng. Do ông N. có nhu cầu nhận tài sản bằng hiện vật nên tòa xác định nguyên đơn đang không có chỗ ở nên đã chấp nhận giao căn nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ cho nguyên đơn, phía nguyên đơn có nghĩa vụ thối trả cho những người còn lại thuộc hàng thừa kế của ông Đ. hơn 1,6 tỉ đồng.

Không đồng tình với quyết định của tòa, phía bị đơn kháng cáo vì cho rằng “bản thú tội” của ông Đ. phải được xem là di chúc và phải chia tài sản theo di chúc chứ không phải là theo quy định pháp luật như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Trong khi chờ phán quyết của cấp phúc thẩm, chúng tôi mong nhận được ý kiến phân tích của bạn đọc.

Di chúc phải đúng thể thức, quy định

Việc xác nhận một bản di chúc phải theo đúng quy trình, thủ tục, được pháp luật quy định cụ thể. Ở đây, bản chất việc xác nhận của phường chỉ là xác nhận chữ ký đó đúng là của ông Đ. chứ không chứng thực về mặt nội dung theo quy trình của một bản di chúc.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm