Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng, có vi phạm pháp luật?

(PLO)- Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị nghiêm cấm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, bánh đồng xu phô mai du nhập về Việt Nam được đông đảo thực khách đón nhận. Đây được xem là một luồng gió mới khá thú vị cho ẩm thực tại Việt Nam.

Bên cạnh những cửa hàng sử dụng khuôn có sẵn, có nơi đã dùng khuôn in tiền xu 500 đồng để sản xuất bánh. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về việc cơ sở trên có được phép sao chụp tiền xu 500 đồng cho mục đích kinh doanh hay không.

Sử dụng khuôn tiền xu 500 đồng để làm bánh

Theo ghi nhận của PV, nhiều cửa hàng kinh doanh loại bánh đồng xu phô mai đang được các bạn trẻ săn đón. Đa số các cửa hàng sử dụng khuôn đồng 10 Won của Hàn Quốc để sản xuất. Tuy nhiên, một tiệm bánh tên BKH (đường Hồ Tùng Mậu, quận 1) lại dùng khuôn đồng xu 500 đồng để kinh doanh loại bánh trên.

Sau khi đăng tải thông tin về bánh mang hình đồng xu Việt Nam, cửa hàng đã nhận được nhiều sự quan tâm, trong đó có những người chuyên trải nghiệm về ẩm thực. Bên dưới video của tài khoản TikTok có tên CS, nhiều người đã đặt câu hỏi về việc liệu có được in bánh hình đồng xu Việt Nam để kinh doanh hay không.

Tài khoản L bình luận: "Tôi tưởng không được in đồng tiền Việt Nam". Được biết, cửa hàng BKH vẫn đang kinh doanh loại bánh đồng xu 500 đồng và được nhiều người tìm mua.

Tương tự, thị trường từng tràn lan bao lì xì, móc khóa in tiền mệnh giá 50.000 - 500.000 đồng. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, xử lý những đối tượng vi phạm nhằm bảo vệ tiền Việt Nam.

Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng, có vi phạm pháp luật_.jpg
Mặt trước và sau chiếc bánh 500 đồng xu của tiệm BKH. Ảnh: MXH

Nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam trái quy định

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Điều 3 Quyết định 130/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam đã quy định rõ hành vi bị cấm là: "Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước".

Do đó, các cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh có in đồng tiền Việt Nam trên sản phẩm của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật.

Tại Điều 31 Nghị định 88/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi bởi Nghị định 143/2021) là:

Đối với cá nhân có hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật thì phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt là 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về việc xử lý những chủ cửa hàng vi phạm, thực tế, cơ quan nhà nước sẽ tập trung vào phần gốc là nhà sản xuất và buộc thu hồi sản phẩm. Các cửa hàng nhỏ lẻ mua đi bán lại thì thuộc phần ngọn, mức độ phổ rộng nên khó khăn trong việc xác minh, xử lý.

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm