Bánh mì, trà sữa, đá me… cũng quét mã QR

(PLO)- Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, mã QR có tốc độ tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay thanh toán thông qua quét mã QR đã trở thành thói quen không chỉ ở những cửa hàng lớn mà còn phổ biến ở những hàng quán đường phố. Từ nước mía, đá me đến cơm tấm, hủ tiếu … đều có thể thanh toán qua mã QR.

Tiện người bán, vui người mua

Tại khu vực hồ Con Rùa (quận 3, TP.HCM), các quán ăn vặt, trà sữa, nước mía… nườm nượp khách ra vào.

Thay vì phải xếp hàng chờ thanh toán bằng tiền mặt như trước, bây giờ người mua chỉ với vài thao tác đơn giản đã có thể thanh toán trên điện thoại.

Nhiều quán ăn đường phố cung cấp thêm mã QR để khách hàng dễ dàng thanh toán. Ảnh: VÕ THƠ

Nhiều quán ăn đường phố cung cấp thêm mã QR để khách hàng dễ dàng thanh toán. Ảnh: VÕ THƠ

Quầy cháo điểm tâm của chị Nguyễn Thị Lợi mỗi buổi sáng đều tấp nập người ra vào. Từ khi có mã QR việc kinh doanh của chị trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn.

Theo chị Lợi, việc có có mã QR để thanh toán rất quan trọng, góp phần quyết định khách có ghé quán hay không.

“Ngày trước chưa làm mã QR tôi phải tuyển thêm một phụ việc, thanh toán tiền cho khách những lúc cao điểm. Những lần không có tiền thối là chạy đi đổi, đi mượn rất bất tiện” - chị Lợi cho hay.

Theo chị Lợi, khách hàng của chị đa phần là 9x, gen Z nên thanh toán bằng quét mã rất phổ biến. Buôn bán trong thời buổi hiện đại như hiện nay việc có thêm mã QR là một lợi thế, người bán cũng tiện mà khách mua cũng vui.

Chị Lê Thanh Tú (26 tuổi) nhân viên văn phòng, chia sẻ từ ngày các quán ăn có mã QR thanh toán, chị ra ngoài không cần mang theo ví.

“Do tính mình hay quên nên nhiều lúc không mang theo tiền mặt. Đến lúc thanh toán không có tiền không biết làm sao, giờ có quên mang ví cũng không lo nữa, chỉ cần quét mã là xong” - chị Tú cười nói.

Anh Hoàng Văn Tuấn (35 tuổi) tài xế xe ôm công nghệ cho biết anh có thói quen thanh toán bằng mã QR đã nhiều năm. Theo anh Tuấn, những lúc đông khách mà đợi thanh toán bằng tiền mặt rất tốn thời gian, do đó anh sẽ ưu tiên quán nào có thanh toán bằng mã QR.

Tại đường Trương Văn Ngư, TP Thủ Đức, quầy bánh mì của ông Thanh Tâm (68 tuổi) cũng hiếm thấy người mua thanh toán bằng tiền mặt. Ông Tâm cho biết mã QR là do con trai ông tạo cách đây 3 tháng để thuận lợi buôn bán.

“Do tuổi già nên việc thối tiền cho khách có phần chậm chạp, đôi khi để khách phải đợi lâu. Kể từ khi có mã QR thanh toán, tôi thấy khỏe hơn hẳn, khách không còn than phiền về việc thối nhầm tiền, thanh toán lâu…” - ông Tâm nói.

Cảnh giác tình trạng mã QR bị dán đè

Tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), quầy nước nhỏ của bà Kim Chi (62 tuổi) cũng tấp nập khách ra vào. Mặc dù trời mưa, khách tấp vô mua vội chiếc áo mưa cũng lấy điện thoại để quét mã thanh toán.

“Ngoài việc thanh toán nhanh chóng còn giúp mình lưu lại được lịch sử giao dịch nên không sợ bị nhầm lẫn hay thối lộn tiền. Khi không giữ nhiều tiền mặt trong người tôi cũng an tâm hơn, khỏi sợ trộm cắp” - bà Chi nói.

Khách hàng thực hiện thanh toán bằng mã QR sau khi mua nước tại quận 1. Ảnh: VÕ THƠ
Khách hàng thực hiện thanh toán bằng mã QR sau khi mua nước tại quận 1. Ảnh: VÕ THƠ

Bên cạnh đó, bà Chi bày tỏ lo ngại và cảnh giác trước thực trạng bị kẻ xấu dán mã QR chồng lên mã của mình. Khi đó, khách thanh toán rồi nhưng tiền thì không về tài khoản.

“Khách nói chuyển tiền rồi, mình xem hoá đơn thấy giao dịch thành công nhưng mãi không thấy điện thoại thông báo nhận tiền về tài khoản. Cứ nghĩ là bị chậm nhưng sau khi kiểm tra thì thấy mã QR bị dán đè lên” - bà Chi nói.

Bên cạnh việc bị dán đè mã QR, thời gian vừa qua còn xuất hiện hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội.

Khi quét mã QR này sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại.

Mới đây đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến nghị người dùng cần thận trọng trước khi quét mã QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng.

Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, mã QR có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị. Trong năm 2022, thanh toán qua mã QR tăng tới hơn 225% về số lượng và trên 243% về giá trị so với năm 2021.

Dữ liệu công bố của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia có tỉ lệ người dùng thanh toán qua di động và dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm lên đến 30,2% trong giai đoạn 2020-2027.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm