Vào ngày 29-8, hãng thông tấn Yonhapvà các cơ quan truyền thông quốc tế ở Hàn Quốc đưa tin: Triều Tiên phát thông điệp được mã hóa cho các đặc vụ của mình bên kia biên giới bằng kênh YouTube thay vì sóng radio - theo đài RT của Nga.
Tin nhắn được một nữ phát thanh viên đọc và có những cụm từ như “Số 23 trang 564, số 19 trang 479 ”gửi đến “Số 719 đặc vụ bí mật”.
Đó là một loại mật mã mà cả Bình Nhưỡng và Seoul đã từng sử dụng trong chiến tranh lạnh để truyền đạt chỉ thị cho các đặc vụ của họ. Giải mã chúng cần phải có tài liệu chỉ dẫn.
Sau một thời gian im lặng, cách đây vài năm Triều Tiên bắt đầu gửi lại tin nhắn loại này, vì vào thời điểm đó chính quyền Hàn Quốc có chủ trương cứng rắn với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ngồi). Ảnh: REUTERS
Sau khi Seoul chuyển sang quan hệ hợp tác với Bình Nhưỡng dưới thời Tổng thống Moon Jae-in các tín hiệu gián điệp cũng giảm dần. Tuy nhiên, thời gian gần đây có vẻ hoạt động này lại tăng lên.
Các tin nhắn hôm 29-8 được truyền qua kênh YouTube cho thấy Bình Nhưỡng nắm rõ công nghệ hiện đại cho hoạt động gián điệp. Nó đã được hàng ngàn người xem trước khi bị xóa.
Theo trang tin NK News của Mỹ đặt tại Hàn Quốc - chuyên phân tích các vấn đề Triều Tiên - kênh YouTube do thực thể có tên Trung tâm "Dịch vụ Truyền hình Bình Nhưỡng - D.P.R" thực hiện đã phát các tin nhắn được cho là của Triều Tiên.
Vấn đề đặt ra là có sự nhầm lẫn tên cơ quan phát sóng. Trung tâm "Dịch vụ truyền hình Bình Nhưỡng-D.P.R" chỉ là một kênh truyền hình tư nhân do Mexico điều hành. Trong khi cơ quan truyền thông chính thức thuộc chính phủ Triều Tiên mang tên "Dịch vụ Truyền hình Bình Nhưỡng".
Chuyên gia công nghệ Martyn Williams giải thích cho NK News rằng nội dung tin nhắn phát trên kênh YouTube được Trung tâm "Dịch vụ Truyền hình Bình Nhưỡng - D.P.R" lấy lại từ đài phát thanh Triều Tiên, nên người xem có thể thấy nó bị nhiễu sóng.
Trung tâm "Dịch vụ Truyền hình Bình Nhưỡng - D.P.R" đã tồn tại dưới nhiều tên khác nhau kể từ năm 2007. Kênh truyền hình này chuyển tải rất nhiều nội dung từ chính trị tới văn hóa, đời sống ở Triều Tiên, chẳng hạn như phát một bài hát nổi tiếng của Liên Xô do ca sĩ Kim Kwang-suk trình diễn.