Thầy Nguyễn Văn Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách kỷ luật Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận), xác nhận: “Lâu nay trong trường vẫn có tình trạng bảo kê, xin đểu. Mới đây, một phụ huynh học sinh đã có đơn phản ánh về việc con của họ bị trấn lột tiền nhiều lần. Nhà trường đang phối hợp với công an để điều tra”.
Muốn yên thân phải đóng tiền
Nhiều học sinh Trường Hàn Thuyên cho biết nếu thường xuyên bị bạn bè hiếp đáp, muốn trả thù có thể thuê các “anh chị” bên ngoài “rửa hận”. Tuy nhiên, sau đó coi như bị trói buộc, phải đóng tiền bảo kê theo tháng hoặc theo ngày. Nếu theo tháng thì ít nhất 100.000 đồng, nhiều tháng lên đến 500.000 đồng. Mỗi cuối tháng hoặc giữa tháng hẹn gặp nhau ở quán cà phê sau cổng trường để đóng tiền cho anh Lớn (còn gọi là anh Đại) hoặc thông qua một người khác để đưa cho anh Lớn. Đảm bảo trong tháng đó người đóng tiền sẽ không bị ai bắt nạt. Đóng tiền được một năm, nếu muốn có thể xin gia nhập vào băng nhóm, lúc đó không phải đóng tiền nữa nhưng khi đại ca huy động thì phải có mặt. Nếu không muốn đóng tiền theo tháng nữa thì phải trực tiếp xin đại ca và đóng một khoản tiền phạt gấp 3-4 lần số tiền tháng mới được yên ổn.
Tại Trường Hàn Thuyên, băng nhóm thu tiền trước đây có Má Hường, Sơn ku, Hiếu bi, Ân nô là dân giang hồ bên ngoài liên kết với học sinh trong trường. Ngoài ra còn có Tý ken, Bí đao, Nhật cùi giang hồ bờ kè; băng Hồng Hưng, Vạn Kiếp trên đường Phan Xích Long cũng tham dự.
Ngày 24-11, em Lâm Thiên Phúc, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, bị tạt acid bỏng nặng. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân xuất phát từ một xích mích nhỏ với bạn học cùng trường. Ảnh: HÀN GIANG
Một học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) kể: “Em bị một đám bốn người lạ mặt ôm vai kéo vào toilet và hỏi han giống như quen nhau từ trước. Sau một lúc, một người hỏi em: “Có tiền không, cho xin mấy chục?”. Em biết đám này cố tình xin đểu nên đành móc hết 30.000 đồng đưa ra. Giật tiền xong, họ còn bảo: “Mày mới vào trường phải không? Muốn yên ổn thì phải chung chi, mỗi ngày 10.000 đồng. Nếu ai bắt nạt thì bọn này bảo kê cho”. Từ đó đến nay, cứ vài ngày bọn chúng bắt em đưa tiền một lần”.
Ngày 22-11, một phụ huynh Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 7) gửi đơn lên nhà trường về việc một học sinh lớp 9 của trường tên TTM xưng đại ca, thường xuyên chặn đường bắt học sinh phải nộp 10.000 đồng, những lúc nhóm của M. đi chơi, các bạn học sinh phải đóng tiền cho họ lên tới 500.000 đồng. Đại diện Trường THCS Nguyễn Hiền đã xác minh việc học sinh bị chặn lấy tiền trong trường học là có thật. Nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc và chuyển hồ sơ những vụ chặn tiền qua Công an phường Bình Thuận, quận 7 xử lý.
Tại Trường THCS Lê Lợi (quận Tân Bình), cách đây không lâu có nhóm do Nghĩa mập, một học sinh trong trường cầm đầu nhận đứng ra bảo kê. Chỉ cần có ai mâu thuẫn với nhau là nhóm của Nghĩa đứng ra giải quyết và nhận tiền phí.
Trường THCS Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) cũng xuất hiện tình trạng học sinh bị chặn lấy tiền. Băng của Tân, Hòa Bình… cầm đầu, nhận bảo kê cho các học sinh trong trường để các học sinh này thu tiền. Địa bàn mà băng này hay xuất hiện là quán ăn gia đình Hai Mai nên họ đặt tên cho băng của mình là Hai Mai với khoảng hơn 100 thành viên, chủ yếu là giang hồ vùng Xuân Thới Thượng, Vĩnh Lộc và các trường THPT lân cận.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4, sáng 4-12 đã xảy ra vụ đâm chém khiến ba học sinh bị thương. Ảnh: DT
Con nghiện chặn tiền
Tại Trường THCS Tân Xuân (Hóc Môn), lâu nay có băng của hai anh em sinh đôi Hòa, Hợp cùng với một số tên là Lực (nghiện ma túy), Hải, Bơ phẹt, Dũng… chuyên đi thu tiền của các học sinh. Ở đây còn có một phụ nữ chuyên đưa heroin vào trường bán. Để có tiền trang trải cho việc hút chích, Lực và băng Hòa, Hợp đã thu khá nhiều tiền của học sinh trong một thời gian dài. Tình trạng đưa ma túy vào trường cơ bản đã chấm dứt sau khi công an vào cuộc điều tra và đưa một số học sinh của trường đi cai nghiện ma túy.
Băng Hòa, Hợp trước đây thu tiền theo tháng, mỗi tháng từ 100.000 đến 200.000 đồng/học sinh. Thời gian gần đây họ chuyển sang hình thức thu 10.000 đồng mỗi ngày, chủ yếu là nhắm vào các học sinh con nhà khá giả. Chúng được sự đỡ lưng của hai giang hồ bên ngoài là Cóc ghẻ và Chó điên nên mặc sức hoành hành.
Cách đây hai năm, tại trường này có băng Mai Ka do Lan chân giò cầm đầu chuyên thu tiền của các học sinh nữ. Sau khi Lan chân giò nghỉ học, băng này càng mở rộng thanh thế. Hiện tại, đàn em trong băng này vẫn thu tiền của học sinh Trường Tân Xuân. (Còn tiếp)
Ngày 6-12, báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức giao lưu trực tuyến về nạn bạo hành và bạo lực học đường. Dưới đây là hai trong số các ý kiến về việc phòng ngừa và ngăn chặn vấn nạn này. Giảm áp lực học, tăng kỹ năng sống cho học sinh
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là do những mâu thuẫn, xích mích của các em chưa được tư vấn kịp thời để giải tỏa. Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu trong thời gian tới, tất cả trường học trên địa bàn thành phố phải xây dựng phòng tư vấn học đường và có cán bộ chuyên môn phụ trách nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu này của học sinh. Nhằm giảm bớt những áp lực căng thẳng về học tập của học sinh, trong thời gian qua Sở cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thành phố tạo nhiều sân chơi nhằm giúp các em thư giãn và có điều kiện giao lưu, gần gũi, thân thiện với nhau qua các hoạt động phong trào, các chương trình ngoại khóa. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đưa nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống cho các em ở từng cấp học nhằm tạo nhiều sân chơi lành mạnh, hướng các em đến các hoạt động xã hội nhằm đẩy lùi các tiêu cực trong học sinh thành phố. Ông TRẦN KHẮC HUY, Trưởng phòng Công tác HSSV - Điểm tựa lớn nhất là gia đình
Sự chia sẻ và định hướng từ gia đình là vô cùng quan trọng. Những em nào có được sự đối thoại, chia sẻ từ cha mẹ sẽ luôn có cách thức giải quyết vấn đề cá nhân và các mối quan hệ tốt hơn các em khác. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng là một điểm tựa giúp các em hóa giải những khó khăn trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, thực tế là giáo viên chủ nhiệm không có nhiều thì giờ để sinh hoạt cùng các em. Khi một xã hội mà cái ác, cái xấu, bạo lực diễn ra thường xuyên thì việc ảnh hưởng đến lối sống, nhân cách của các em là điều tất yếu. Muốn giáo dục tốt cho các em, trước hết phải bắt đầu từ người lớn. Đó là trong gia đình, cha mẹ luôn sống và kiểm soát lối sống của mình sao cho luôn là tấm gương sáng trong cho con mình soi vào. Trong nhà trường, thầy cô luôn chuẩn mực trong giáo dục nhân cách, yêu thương, nâng đỡ các em. Ngoài xã hội, người lớn sống sao cho các em nhìn thấy mà tự hào và nhận rõ trách nhiệm của mình. Ths NGUYỄN THỊ TÂM, |
HÀN GIANG