Bạo lực học đường sẽ bị xử lý sao?

(PLO)- Theo luật sư, có 4 hình thức xử lý bạo lực học đường, gồm: xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự và bồi thường dân sự.

Hôm nay, 3-11, Đoàn Luật sư TP.HCM cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bình Thạnh; UBND quận Bình Thạnh và các đoàn thể quận Bình Thạnh và Trường THCS Rạng Đông… tổ chức chuyên đề tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai 2024, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Cạnh đó, chuyên đề còn phổ biến một số quy định pháp luật về phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tư vấn pháp luật tại Trường THCS Rạng Đông (Bình Thạnh, TP.HCM). Hoạt động này nhằm kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10-10) và ngày Pháp luật Việt Nam (9-11).

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) phát biểu tại buổi tuyên truyền. Ảnh: YC

Xây dựng các tiểu phẩm kết hợp chuyên đề báo cáo

Tham gia buổi tuyên truyền, về phía lãnh đạo quận Bình Thạnh có bà Nguyễn Thanh Tâm - Phó Trưởng phòng Tư pháp quận, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật quận), ông Phan Hữu Chính - Chủ tịch Hội Luật gia quận, Trung tá Đoàn Trọng Bộ (đại diện công an quận)…

Tại đây, ngoài việc giới thiệu về ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10-10), Trưởng nhóm công tác, luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) còn cho biết dịp này, Đoàn Luật sư TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí tại nhiều nơi.

Để thực hiện sinh động và tuyên truyền pháp luật thêm hiệu quả, nhóm công tác đã xây dựng các tiểu phẩm “Vĩnh biệt bạo lực học đường”, “Tống ba” để dẫn đề.

Sau đó, các báo cáo viên báo cáo các chuyên đề: “Phòng chống bạo lực học đường”, “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ”, “Luật Đất đai năm 2024”, kết hợp hỏi và giải đáp liên quan đến các chuyên đề và trao các phần quà.

Các luật sư đã hóa thân thành các em học sinh để diễn tiểu phẩm về bạo lực học đường. Ảnh: YC

Báo cáo chuyên đề về bạo lực học đường, luật sư Trương Minh Nghĩa và luật sư Nguyễn Thị Xuân Mai (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập (theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường).

Theo ông Nghĩa, bạo lực học đường có khuynh hướng ngày càng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi, trở thành một vấn nạn của xã hội.

Bà Nguyễn Thanh Tâm (áo xanh) - Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Bình Thạnh cùng các luật sư trao quà cho học sinh trả lời đúng câu hỏi về các chuyên đề. Ảnh: YC

Về các hình thức bạo lực học đường, ông Nghĩa lưu ý về hình thức bạo lực học đường trực tuyến: "Đây một dạng bạo lực xảy ra thông qua sử dụng các công nghệ trực tuyến và mạng internet trong môi trường học đường.

Trong đó, bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như tin nhắn, email, diễn đàn trực tuyến và các nền tảng khác như Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok … để gây hại, xúc phạm hoặc đe dọa người khác trong cộng đồng học đường. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng phổ biến".

Các luật sư cũng chỉ ra cách xử lý khi xảy ra bạo lực học đường theo Điều 9 của Thông tư 38/2019 của Bộ LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trên cơ sở này, các cơ sở giáo dục có thể áp dụng biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả không mong muốn; liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định.

Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, các đơn vị cũng cần đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân; thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân; theo dõi, đánh giá và có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.

Theo các luật sư, bạo lực học đường là hành vi vi phạm không chỉ về những nguyên tắc đạo đức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ sẽ có 4 hình thức xử lý bạo lực học đường, gồm: xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự và bồi thường dân sự.

Trao quà cho học sinh có câu trả lời đúng về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: YC

Khi nào xe gắn máy được chở 2 người?

Tại buổi tuyên truyền, luật sư Chu Thị Thùy Giang (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã trình bày một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Theo luật sư Giang, hành vi vi phạm chủ yếu của các em học sinh là: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi xe mô tô khi chưa đủ điều kiện (không có giấy phép lái xe)…

Tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Ảnh: YC

Trong đó, luật sư Giang cũng lưu ý khi đi xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người: chở người bệnh đi cấp cứu, chở trẻ em dưới 12 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật (theo khoản 1 Điều 33 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024).

Tiếp đến, luật sư Đỗ Đăng Khoa và luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm báo cáo chuyên đề về Luật Đất đai năm 2024. Các luật sư đã trình bày một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, luật đã bỏ khung giá đất cũ. Thay vào đó, bảng giá đất được xác định sát với thị trường...

Cũng tại buổi tuyên truyền, các luật sư đã tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới